Minh định cơ chế thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ đang xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đây sẽ là khung pháp lý đầu tiên áp dụng cho đường cao tốc được đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước và cần thiết phải được minh định để bảo đảm phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng cũng như đảm bảo nguồn để duy trì điều kiện khai thác, quản lý, bảo trì các tuyến cao tốc trong quá trình vận hành.
Việc ban hành quy chế, cơ chế về thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn sẽ tạo cơ sở để vận hành hiệu quả các tuyến cao tốc huyết mạch từ Bắc vào Nam. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Việc ban hành quy chế, cơ chế về thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn sẽ tạo cơ sở để vận hành hiệu quả các tuyến cao tốc huyết mạch từ Bắc vào Nam. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Lấp khoảng trống pháp lý trong thu phí cao tốc

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện nay, việc thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (cơ chế phí) và thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh theo quy định của pháp luật về giá (cơ chế giá).

Cả 2 cơ chế phí và cơ chế giá đều chưa có quy định về phí sử dụng thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý. Pháp luật hiện hành mới có quy định về áp dụng cơ chế giá để thu tiền sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí ở các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (các dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP). Các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư không được quy định là dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh nên không có cơ sở để thu phí.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, Nhà nước đã và đang đầu tư đồng loạt các tuyến đường cao tốc huyết mạch từ Bắc vào Nam với lượng vốn rất lớn. Nếu không kịp thời ban hành quy chế, cơ chế về thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn, khung pháp lý về thu phí các tuyến cao tốc của chúng ta sẽ có một khoảng trống lớn, từ đó sẽ tạo ra những bất cập trong quá trình vận hành các tuyến cao tốc này. Trên thực tế, các tuyến cao tốc sau khi được đầu tư bài bản đưa vào vận hành vẫn cần một khoản chi phí lớn để duy tu, bảo dưỡng, quản lý cho tốt. Chẳng hạn, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư 9.800 tỷ đồng, nhưng khi dừng thu phí từ tháng 1/2019 đã xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, khi không thu phí ở cao tốc, lượng xe sẽ đổ dồn lên các tuyến đường này mà không có sự quản lý, kiểm soát chặt, làm hư hại và nhanh xuống cấp công trình.

Minh bạch để nhận được sự đồng thuận cao

Bộ GTVT cho biết, việc xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư, hoàn thiện pháp luật về thu phí đã được Quốc hội định hướng rõ khi thông qua chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc theo phương thức đầu tư công. Thực tế cho thấy, một số tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư đưa vào khai thác và đã thu phí đều được xã hội đồng tình. Mặc dù có các tuyến quốc lộ song hành nhưng người dân vẫn sẵn sàng trả tiền để sử dụng đường cao tốc có chất lượng dịch vụ cao hơn.

Theo đề nghị của Bộ GTVT, phí sử dụng loại đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ thực hiện theo cơ chế phí và mức thu phí được xác định trên các nguyên tắc cơ bản như phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải bảo đảm còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; được tính toán theo từng đoạn/tuyến cao tốc cụ thể để bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội từng khu vực. Số tiền phí thu được nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách. Trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì đường bộ, thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các dự án đường bộ theo hợp đồng BOT trong trường hợp bị giảm lưu lượng khi các tuyến cao tốc đưa vào khai thác.

Chia sẻ với phóng viên, một số nhà đầu tư dự án BOT giao thông cho biết, việc có cơ chế thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ hoàn thiện cơ chế pháp luật về thu phí đường cao tốc, bảo đảm thế cân bằng trong vận hành mạng lưới đường cao tốc đang hoàn thiện của nước ta. Tuy nhiên, việc thu phí nên minh bạch, rõ ràng và có sự tính toán cẩn trọng dựa trên những lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc; bảo đảm hài hòa lợi ích và sự hài lòng của người dân cũng như các bên liên quan, trong đó có cả nhà đầu tư BOT các tuyến đường trước đó.

Tin cùng chuyên mục