Việc nới lỏng của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được đánh giá là an toàn và chặt chẽ. Ảnh: Bảo Tín |
Nút thắt lớn đã được tháo gỡ
Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo đó, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào suy thoái, thông tin này được xem là một cứu cánh cho tất cả các bên liên quan. Hai ngày qua, trên các diễn đàn, những thông tin tích cực từ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP liên tục thu hút được nhiều sự chia sẻ, bình luận.
Một nhà đầu tư "cảm thán", cuối cùng nút thắt lớn nhất khiến doanh nghiệp điêu đứng, trái chủ hoang mang cũng được tháo gỡ. Bởi thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp phải gom tiền mặt, thậm chí vay nóng, vay nguội để thanh toán cho trái chủ đối với các khoản vay trái phiếu đến hạn, có trường hợp phải mua trước hạn. Điều này khiến doanh nghiệp, thị trường cạn tiền mặt, không có tiền để làm ăn, có doanh nghiệp gần như kiệt sức.
Như đã biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Quy định mới gỡ khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Luật sư Trần Khánh Ly, Công ty Luật GLAW nêu quan điểm, với Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, bên cạnh nội dung quy định như trên, còn bổ sung thêm: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Đặc biệt, việc đàm phán phải dựa theo các nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy, việc nới lỏng này cũng rất an toàn và chặt chẽ.
Cũng như vậy, tại Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Nay, quy định trên đã được Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định.
Trong đó, nêu rõ, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Mở ra một cánh cửa mới
Bình luận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đây là một tín hiệu rất đáng mừng, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản. Bởi, áp lực thanh toán trái phiếu đến kỳ hạn không những được giãn ra 24 tháng mà còn mở ra một cánh cửa mới cho các chủ đầu tư phát hành trái phiếu đối với các trái chủ trong việc lựa chọn phương thức thu lại tiền gốc và lãi hoặc hoán đổi những tài sản có giá trị tương đương.
Dù trước mắt khó khăn còn nhiều, nhưng việc thoát cảnh giật gấu vá vai, cạn dòng tiền để duy trì kinh doanh sẽ giảm đi rất nhiều sẽ giúp doanh nghiệp từng bước hồi sinh để vượt qua bão tố. Ảnh: Bảo Tín |
8 năm qua - từ năm 2015 đến nay là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản, các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành, người mua nhà và nhà đầu tư. Qua đó tác động dây chuyền đến hàng trăm ngành nghề của nền kinh tế, trước hết là các nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các nhà môi giới, các tổ chức tín dụng và cả thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, kinh doanh bất động sản là một trong 21 ngành kinh tế cấp 1 trong tổng số 1.571 ngành kinh tế quốc gia.
Đặc biệt, trong 3 năm qua, nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta còn chịu tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và các xung đột địa chính trị dẫn đến nhiều nước bị lạm phát cao, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, hiện, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản đang đàm phán với trái chủ phương án giải quyết trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức kéo dài kỳ hạn thanh toán, đổi tiền đầu tư trái phiếu thành bất động sản…
Trước đó, trong tháng 2/2023, một tập đoàn địa ốc cũng đã hoán đổi thành công một số lô trái phiếu nghìn tỷ đồng với đối tác. Theo thỏa thuận này, nhà đầu tư sẽ nhận một phần vốn góp/cổ phần (phần hoán đổi) trong hai công ty thành viên của tập đoàn này để đổi lấy việc hủy bỏ một số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng. Đây là tín hiệu tích cực của tập đoàn này trong hoạt động cơ cấu nợ trái phiếu đến hạn.
Ghi nhận ý kiến từ các chủ đầu tư bất động sản cho thấy, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang được xem là một cứu cánh tích cực cho thị trường hiện nay. Dù trước mắt khó khăn còn nhiều, nhưng việc thoát cảnh "giật gấu vá vai", cạn dòng tiền để duy trì kinh doanh sẽ giảm đi rất nhiều sẽ giúp doanh nghiệp từng bước hồi sinh để vượt qua bão tố.