Mở rộng cánh cửa PPP

(BĐT) - PPP được coi là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội thu hút một lượng vốn rất lớn từ khu vực tư nhân để khu vực này song hành với Nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. 
Luật PPP cần quy định một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi. Ảnh: Lê Tiên
Luật PPP cần quy định một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, quy định về PPP hiện nay mới dừng lại ở mức nghị định, dẫn đến việc triển khai gặp rất nhiều xung đột về pháp lý, khi mà các luật hiện hành mới chỉ quy định về đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân.

Trở ngại từ khung pháp lý chưa đủ mạnh

Con đường PPP đến nay đã được xác định là cần đi để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, nhưng hiện con đường ấy vẫn còn rất nhiều rào cản, mà xung đột pháp lý với các văn bản pháp luật hiện hành có thể xem là một trong những chướng ngại lớn nhất. Trong những hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP diễn ra gần đây, rất nhiều ý kiến từ các bộ, địa phương cho biết cản trở hàng đầu dẫn đến khó khăn khi triển khai dự án PPP là văn bản quy phạm pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới ở cấp nghị định nên hành lang pháp lý về PPP phụ thuộc nhiều vào luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Doanh nghiệp,… trong suốt vòng đời dự án PPP. Các luật này chủ yếu quy định về đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân, chưa tính đến đặc thù PPP. Do vậy, cả Nhà nước và tư nhân đều gặp nhiều khó khăn trong quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu, thanh toán công trình; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư;…

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, PPP là hình thức cần thiết để thu hút đầu tư, NĐ 15 là nghị định rất quan trọng nhưng trong triển khai trong thực tiễn, còn nhiều bất cập để thu hút các nhà đầu tư. Theo Đại biểu tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh, Nghị định thiếu một số quy định về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc triển khai dự án PPP, quy định về sự tường minh và trách nhiệm của Nhà nước, của nhà đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích,… Bà Minh cho rằng, bây giờ, nếu chỉ sửa nghị định này thì chưa đáp ứng được, mà cần thiết nâng nghị định này thành Luật Đối tác công tư.

Việc nâng lên thành Luật vừa đảm bảo tính pháp lý cao đối với dự án PPP, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về xung đột pháp lý, đồng thời, có thể giúp các nhà đầu tư vững tâm khi quyết định rót hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD tham gia vào các dự án PPP ở Việt Nam. 

Kỳ vọng vào Luật PPP

Bộ KH&ĐT vừa gửi đi Đề cương dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP để lấy ý kiến. Kèm theo Đề cương này, trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương Bộ KH&ĐT đã vạch ra một số vấn đề mà Luật PPP cần giải quyết.

Thứ nhất, đối với dự án cần đảm bảo mục tiêu công và mục tiêu thu lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư dự án PPP, việc xác định hiệu quả đầu tư cần được quán triệt xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai dự án. Bên cạnh đó, khác với dự án đầu tư công, dự án PPP được quản lý theo đầu ra (chỉ đặt ra yêu cầu và để nhà đầu tư có sự chủ động, sáng tạo trong việc triển khai công trình, dịch vụ) thay vì quản lý đầu vào (áp đặt sẵn một công trình, dịch vụ). Điều này giúp tạo sự chủ động, sáng tạo cũng như trách nhiệm cho nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, cũng tạo thách thức cho phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phải xác định rõ các yêu cầu đầu ra nhằm đạt được mục tiêu quản lý, cũng như có cơ chế giám sát khác với cơ chế vẫn được thực hiện đối với các dự án đầu tư công do nhà thầu thực hiện. Vì vậy, Luật PPP cần quy định cụ thể cách thức lập dự án, công cụ thẩm định dự án, giám sát, quản lý hợp đồng phù hợp để tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo của nhà đầu tư và đảm bảo dự án đầu tư hiệu quả, tiết kiệm, tránh đầu tư tràn lan, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia.

Do tính chất đặc thù khi có sự tham gia đầu tư của cả nhà nước và nhà đầu tư, Luật PPP cần quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, đồng thời đơn giản, rút gọn để hài hòa giữa thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Luật PPP cũng cần bổ sung quy định về công khai thông tin về dự án PPP trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện để tạo môi trường thông tin thông suốt cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng.

Đồng thời, theo Bộ KH&ĐT, Luật PPP cần quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, bao gồm cả sử dụng vốn nhà nước để tăng tính khả thi cho dự án, hấp dẫn nhà đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng thông qua PPP. Đồng thời, Luật PPP phải có quy định nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án nói riêng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước; ban hành một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi…

Tin cùng chuyên mục