Mở rộng cơ hội cho đầu tư tư nhân

(BĐT) - Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực then chốt và chỉ tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ công ở những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không có khả năng tham gia hoặc không có tiềm lực cung cấp… để tạo cơ hội, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Việt Nam cần khoảng 148 tỷ USD cho phát triển ngành điện trong giai đoạn 2016 – 2030. Ảnh: Quang Tuấn
Việt Nam cần khoảng 148 tỷ USD cho phát triển ngành điện trong giai đoạn 2016 – 2030. Ảnh: Quang Tuấn

Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tiếp tục nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. 

Gia tăng chưa tương xứng

Là một vùng kinh tế trọng điểm lớn của cả nước, song cơ cấu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua vẫn mất cân đối. Bộ Giao thông vận tải đánh giá, vốn nhà nước dành cho đầu tư đường bộ chiếm gần 70%, vốn BOT vẫn rất thấp. Hay câu chuyện khó thu hút vốn đầu tư vào ngành điện không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên trước những dự báo về nhu cầu điện sẽ tăng rất cao trong thời gian tới, vấn đề thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước vào lĩnh vực này đang đặt ra một thách thức lớn cho nền kinh tế là đảm bảo an ninh năng lượng. Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam cần khoảng 148 tỷ USD cho phát triển ngành điện trong giai đoạn 2016 - 2030. Đây là số vốn rất lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, nợ công tăng cao… Một trong những nguyên nhân của bất cập này được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do các dự án đầu tư công vẫn dựa quá nhiều vào ngân sách nhà nước, cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vẫn còn có hạn chế, nhiều tồn tại cần tháo gỡ.

Đánh giá về kết quả tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, trong giai đoạn 2011 - 2015, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn còn các rào cản thể chế, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng và công bằng dẫn đến các doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa có động lực và được khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. 

Mở rộng cơ hội cho đầu tư tư nhân

Nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng cơ hội cho đầu tư tư nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) nhằm tăng cường nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư phát triển của nhà nước, đồng thời là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông chia sẻ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh quan điểm đẩy mạnh cải cách toàn diện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, qua đó để thị trường có vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực sản xuất. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực then chốt mang tính dẫn dắt, có tác động thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế mà khu vực ngoài nhà nước chưa có khả năng hoặc không muốn tham gia để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, tập trung nguồn lực hữu hạn của Nhà nước để thực hiện những mục tiêu phát triển lớn hơn.

Để khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển kinh tế, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ... Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cũng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân.