Tác động của việc mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước tới hệ thống văn bản pháp luật không lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 đã đề xuất mở rộng khái niệm DNNN.
Phù hợp yêu cầu mới
Theo Tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi quy định về DNNN trong Luật DN năm 2014 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đề ra quan điểm chỉ đạo: “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn".
Theo đó, DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước "sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết" của DN đó. Tại Dự thảo Luật, khái niệm DNNN được sửa đổi bao gồm: DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Luật được Chính phủ gửi tới Phiên họp cho thấy còn nhiều bất cập cần được sửa đổi.
Cụ thể, Khoản 8 Điều 4 Luật DN năm 2014 quy định: "DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ". Như vậy, khái niệm DNNN hẹp hơn so với cách hiểu về phạm vi của DNNN theo thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
“Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương quy định: DNNN là DN chủ yếu tham gia vào các hoạt động thương mại trong đó một bên (Nhà nước): trực tiếp sở hữu hơn 50% vốn cổ phần; kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết thông qua lợi ích chủ sở hữu; hoặc giữ quyền chỉ định đa số thành viên ban quản trị hoặc bất kỳ bộ máy quản lý tương đương khác”, Báo cáo đánh giá dẫn chứng.
Đảm bảo sự tương thích
Về tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN đến hệ thống văn bản pháp luật, trong số các luật, pháp lệnh có liên quan đã ban hành kể từ thời điểm ban hành Luật DN năm 2014 đến nay, có 6 luật sử dụng khái niệm DNNN và 2 luật có liên quan. Các luật này bao gồm: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Tiếp cận thông tin; Bộ luật Dân sự; Luật Thủy lợi; Luật Lâm nghiệp; Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu. Qua đánh giá cho thấy, tác động của việc mở rộng khái niệm DNNN như đề xuất tới hệ thống văn bản pháp luật không lớn.
Đối với Luật Ngân sách nhà nước, khi mở rộng khái niệm DNNN thì phải sửa đổi quy định của Luật để xác định rõ thu ngân sách nhà nước từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của DNNN là khoản thu từ công ty TNHH MTV do bộ, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu.
Đối với Luật Quản lý tài sản công, quy định của Luật không chịu tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN, nhưng văn bản hướng dẫn của Chính phủ phải quy định rõ các trường hợp DNNN là công ty TNHH MTV và công ty cổ phần.
Chính phủ cho rằng, quy định của Luật Tiếp cận thông tin không chịu tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN. Hiện nay, mức độ và phạm vi công khai thông tin của công ty cổ phần có vốn nhà nước được đánh giá là cao hơn DN 100% vốn nhà nước.
Còn với Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng, Chính phủ nhận định, 2 luật này được ban hành trước khi ban hành Luật DN năm 2014. Khái niệm DNNN trong 2 luật này được hiểu có nghĩa tương tự khái niệm của Luật DN năm 2005 (Luật DN năm 2005 quy định: DNNN là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ). Vì vậy, nếu mở rộng khái niệm DNNN thì không ảnh hưởng đến thực hiện Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng.