Ảnh Internet |
Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động.
Nghịch lý
Nhắc lại thông điệp chủ đạo của Báo cáo Việt Nam 2035, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, trong 4 mối lo lớn của kinh tế Việt Nam trung và dài hạn thì có mối lo về năng suất lao động thấp và suy giảm. Cũng trong báo cáo này, năng suất của tất cả các ngành kinh tế ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước. Nhìn ở khía cạnh năng suất lao động và vấn đề tiền lương, bà Lan cho rằng, tiền lương phải phục vụ cho năng suất lao động, gắn với năng suất lao động, chứ không thể tách rời.
Bàn về vấn đề này, tại Hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam”, ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, mức lương tối thiểu đã tăng liên tục với tốc độ khá nhanh trong những năm gần đây. Song điều đáng lưu ý là lương tăng nhưng không đồng nghĩa với năng suất lao động tăng.
Chỉ rõ bất cập trên, dẫn kết quả Báo cáo Tiền lương và Năng suất lao động ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa hoàn thiện, TS. Nguyễn Đức Thành phân tích, lương tối thiểu tăng nhanh trong thời gian gần đây. Giai đoạn 2007 - 2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11 - 70% mỗi năm, trung bình xấp xỉ khoảng 20%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 lên mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Về mối quan hệ giữa lương trung bình và năng suất lao động, trong giai đoạn 2004 - 2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
“Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Thành cảnh báo.
Mấu chốt là năng suất lao động
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, theo như kết quả nghiên cứu đưa ra tại Báo cáo Tiền lương và Năng suất lao động thì hiện nay có tới 50% số người lao động không bị tác động của lương tối thiểu. Như vậy, nếu dùng chính sách lương tối thiểu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội là không đạt yêu cầu. “Trên thực tế, lương tăng nhanh hơn tăng năng suất lao động, về lý thuyết có thể giúp người lao động yên tâm, nhưng vấn đề mấu chốt là năng suất lao động không tăng. Do đó, dù lương tối thiểu có tăng lên 20% thì người lao động vẫn không đủ sống…”, ông Tuyển nêu rõ.
Kết quả nghiên cứu của Báo cáo cũng chỉ ra, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc. Mặt khác, một số ý kiến cũng cho rằng, khi lương tăng nhưng năng suất lao động không tăng cũng có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt để tăng lương là năng suất lao động phải tăng. Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất nằm ở người lao động. Theo đó, ông Thành đề xuất, mức lương tối thiểu được tính theo tháng hiện nay không phản ánh được năng suất lao động, do đó nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này bảo đảm rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động. Nhìn rộng hơn từ đề xuất của đại diện VEPR, ông Tuyển gợi ý, cần có nghiên cứu về một cơ chế thỏa thuận giữa giới chủ và người lao động thay vì đưa ra một mức lương tối thiểu như hiện nay, lúc đó năng suất chắc chắn tăng.
Chuyên gia kinh tế đến từ Nhật Bản nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ chế giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. Vị này khuyến nghị, có thể thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách sứ mệnh này, từ thay đổi tư duy đến học tập và triển khai các mô hình tăng năng suất trên thế giới như Nhật Bản, Singapore…