Ảnh minh họa: Internet |
Đổi thay về chất
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ phát đi vào cuối giờ chiều một ngày cuối tuần tháng 12/2018 cho biết, khác với các năm trước, NQ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 dự kiến sẽ được đánh số 02, thay cho tên NQ19 được ban hành liên tục từ năm 2014 tới nay.
Xem ra, việc thay đổi thứ tự đánh số NQ này không phải là thông tin bất ngờ với các chuyên gia luôn trăn trở về MTKD, năng lực cạnh tranh của nước nhà. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, thay đổi này là vô cùng cần thiết. Lý do là khi NQ được ban hành ngay từ đầu năm sẽ tăng tốc thực hiện các mục tiêu hơn mọi năm thường thấy. Ông Cung chia sẻ, cải cách nhằm cải thiện MTKD luôn là trọng tâm trong cải cách thể chế và chúng ta đã chọn nó như một khâu đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển. Và trong nhiệm kỳ vừa rồi của Chính phủ, việc thực hiện 02 NQ có nội dung trọng tâm về cải thiện MTKD là NQ19 và NQ35 đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực.
Báo cáo mới nhất về kết quả 5 năm (2014 - 2018) thực hiện NQ19 do Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ cho thấy có những chuyển biến rõ nét trong MTKD. Trước hết, đó là nhận thức về tầm quan trọng của cải thiện MTKD, chất lượng MTKD và năng lực canh tranh quốc gia có cải thiện. Đó là hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai một phần hoặc hầu hết các nhiệm vụ được giao. “Nếu như năm 2014, chỉ có Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và TP.HCM tiên phong triển khai thực hiện NQ19 thì đến nay, các bộ, ngành, địa phương tham gia sâu rộng hơn, chủ động, tích cực hơn với một số kết quả rõ ràng. Một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (DN) được tháo gỡ; tăng thêm niềm tin và sự hứng khởi kinh doanh cho DN”, ông Cung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cung, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cái nhìn khả quan trong các báo cáo xếp hạng MTKD do tổ chức này thực hiện. Theo Doing Busines 2019 của WB, năm 2018 điểm số về xếp hạng MTKD Việt Nam đã tăng lên đáng kể và thu hẹp khá nhiều trên tất cả các chỉ số so với mức của ASEAN4. Xếp hạng về MTKD năm 2018 được cải thiện 21 bậc so với năm 2015 (từ thứ 90 lên thứ 69); trong đó, chỉ số Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc, Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc… “Thứ hạng và thứ bậc của Việt Nam theo đánh giá của WB từ năm 2015 đến nay đều đi lên. Đây là khác biệt hay thay đổi lớn so với thời kỳ đầu thực hiện NQ19”, ông Cung đánh giá.
Thay đổi lớn tiếp đó là, nhìn vào cải cách trong nước, nhiều chính sách đã được ban hành liên quan đến tháo bỏ rào cản, giảm chi phí đối với hoạt động của DN cũng như tăng khả năng gia nhập thị trường của DN, tăng cơ hội đầu tư, từ đó tăng thu hút đầu tư, nhất là đối với khu vực tư nhân. Đến nay, theo báo cáo của các bộ ngành, hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đối với đầu tư, kinh doanh đã được bãi bỏ; một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; cơ chế kiểm tra theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và mức độ tuân thủ của DN đã bước đầu được thực hiện trên một số lĩnh vực. “Nhìn vào kết quả, rõ ràng chúng ta có sự tăng điểm về MTKD, đồng nghĩa với việc cải cách thực chất về các chỉ số, nhất là chỉ số điện năng và khởi sự kinh doanh đã có sự tăng điểm vượt bậc theo đánh giá của Doing Busines 2019”, ông Cung nói và dẫn chứng, cuối năm 2017, tổng số điều kiện kinh doanh của Việt Nam còn 5.703 điều kiện, theo báo cáo của các bộ đến thời điểm này đã cắt giảm được hơn 50%.
Nhìn ngang giữa các bộ, một số bộ thực hiện cải cách tốt như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng... Ở địa phương, một số địa phương như TP.HCM, Đồng Tháp, Quảng Ninh có những cải cách mang lại niềm tin cho DN.
Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hứng khởi chia sẻ: “Qua khảo sát của VCCI thời gian qua, các DN đều đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, cải cách kiểm tra chuyên ngành có tiến bộ...”.
Cần duy trì mức độ và tốc độ cải cách
Đúng là MTKD của Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực nhờ thực hiện các NQ19, tuy nhiên, theo Lãnh đạo CIEM, điều quan trọng hơn cả là làm sao duy trì được mức độ và tốc độ cải cách này để những rào cản đối với DN không có cơ hội quay lại - đây là điều chúng ta quan tâm nhiều hơn. Ông Cung nói: “Cải cách bao giờ cũng cần cả động lực và áp lực cả về mặt ngắn hạn, trung hạn, còn về dài hạn thì cần một tư duy mới, phương thức quản lý mới”.
Vậy làm sao tạo được áp lực và động lực thúc đẩy cải cách? Theo ông Cung, người đứng đầu có vị trí quan trọng trong cải cách, cần tạo động lực cho họ thông qua một số việc cụ thể gắn với tạo động lực. Cụ thể là, Đảng ta đang quán triệt chủ trương người đứng đầu phải nêu gương, việc nêu gương không phải chung chung mà việc triển khai Nghị quyết, chủ trương của Đảng, của Chính phủ. Việc triển khai này phải có kết quả để đo lường việc nêu gương. “Đặc biệt, nếu người đứng đầu làm tốt, nên được cân nhắc, đề bạt lên vị trí cao hơn. Người làm tốt ở địa phương nên được cân nhắc lên vị trí ở Trung ương. Như vậy, chúng ta sẽ tạo nên động lực cho người đứng đầu ít nhất là có thể phù hợp trong thời điểm này”.
Về áp lực, có lẽ đó là vấn đề duy trì áp lực hành chính; là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ… phải liên tục nhắc nhở những nơi nào chưa làm tốt, thực hiện không nghiêm túc NQ. Song hành cùng quá trình này, báo chí, phương tiện truyền thông phải theo dõi, đánh giá, kết hợp với các cơ quan nghiên cứu độc lập, nhà tư vấn để có thông tin đánh giá nơi nào làm tốt, chưa tốt…
Một giải pháp khác cũng được ông Cung đề cập, đó là vai trò của DN và các hiệp hội DN. “Các hiệp hội DN này cần tích cực, mạnh dạn theo dõi, đánh giá và đồng thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của DN trong việc thực hiện NQ”.
Trong dài hạn, chúng ta phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thay đổi tư duy quản lý từ kiểm soát sang tạo điều kiện thuận lợi cho DN bằng việc thay đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên theo dõi, giám sát. Chúng ta chỉ tập trung quản lý, giám sát những nơi có độ rủi ro cao, và mức độ tuân thủ của DN thấp; còn những DN có lịch sử tuân thủ tốt, hoạt động kinh doanh tốt thì chúng ta chỉ theo dõi, giám sát từ xa. “Nếu cứ tiếp tục tiền kiểm như hiện nay thì nhu cầu ban hành các văn bản tạo rào cản cho DN sẽ luôn quay trở lại”, ông Cung cảnh báo.
Đề xuất giải pháp căn cơ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thuận lợi cho DN và người dân, Lãnh đạo CIEM cho rằng, cần tư duy mới và cách quản lý mới đối với DN. “Muốn thay đổi các cách quản lý tạo rào cản lâu nay cho DN, chúng ta phải có thay đổi toàn diện cả về vai trò, chức năng của nhà nước; thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; công cụ quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thay đổi kỹ năng và năng lực quản lý… Khi thay đổi toàn diện như vậy, hy vọng mức độ thực chất và tốc độ cải cách hiện nay sẽ được duy trì, đặc biệt là rào cản đối với DN sẽ không có cơ hội phục hồi…”.