Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Một điểm thường thấy ở các doanh nghiệp nhà nước là họ thường xin các cơ chế hỗ trợ đặc thù. Không ít trường hợp đã thành công. Với các doanh nghiệp ngành điện, việc lỗ tỷ giá do vay ngoại tệ quá đà được Chính phủ hỗ trợ bằng việc cho phân bổ lỗ tỷ giá trong nhiều năm. Các doanh nghiệp vận tải biển được kéo dài thời gian khấu hao tài sản cố định…
Điều đáng ngạc nhiên là, với các doanh nghiệp tư nhân, điều họ cần để hoạt động không phải là những ưu đãi mang tính đặc thù, riêng lẻ. Họ cần một hành lang hoạt động đủ rộng, đủ thông thoáng và đủ minh bạch.
Nhiều loại rào cản
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, chính công ty luật của ông cũng gặp những khó khăn đối với các thủ tục hành chính. Nếu không “linh động” thì ngay cả việc chuyển trụ sở Công ty tại TP.HCM từ quận này sang quận khác, cũng không biết bao giờ mới thực hiện được.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi các quốc gia buộc phải giảm bảo hộ qua thuế, hạn ngạch và các rào cản kỹ thuật, điều kiện kinh doanh được đưa ra sử dụng như là một biện pháp bảo hộ mà không vi phạm các cam kết quốc tế.
Thông tư số 20/2011/TT-BCT (Thông tư 20) quy định về việc nhập khẩu ô tô được nhiều chuyên gia đưa ra như một dẫn chứng về sự vô lý của các quy định. Ông Đức cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp ô tô thì hiện không có sự thay đổi nào cả, có nguy cơ Thông tư 20 chuyển thành Thông tư 21, và Thông tư 21 thì chẳng dễ thở hơn Thông tư 20 một chút nào.
Chủ doanh nghiệp sữa TH True Milk – bà Thái Hương cho biết, là một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, điều mà bà mong mỏi nhất là những tiêu chuẩn về sữa. Ví dụ thế nào là sữa bột, sữa lỏng, sữa tươi, sữa thanh trùng…? Doanh nghiệp không cần sự bảo hộ nào cả, cũng không cần ưu đãi về thuế, chỉ cần sự minh bạch. Minh bạch sẽ giúp các doanh nghiệp đỡ phải “thi nói” trên truyền hình (quảng cáo) – bà Thái Hương nhấn mạnh.
Cần thay đổi tư duy hành pháp
Bà Hương Vũ – Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn của Ernst & Young Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 35 của Chính phủ mới đây cho thấy Thủ tướng thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống mới là vấn đề đáng bàn.
Trong lĩnh vực thuế, bà Hương Vũ cho rằng, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kê khai thuế, đôi khi không xuất phát từ hối lộ, tham nhũng như người ta vẫn nói. Thực tế cán bộ thuế họ cũng sợ trách nhiệm, vô tình gây ra cản trở cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu thu thuế bằng các con số cụ thể, theo bà Hương Vũ là cực kỳ vô lý. Tại sao không nghĩ rằng không có nợ thuế đã là một thành công, mà chỉ “chăm chăm” thu thêm bao nhiêu tỷ?
Ngoài ra, dư luận hiện nay tương đối ác cảm với việc trốn thuế và chuyển giá. Trong khi đó, nhiều khi việc hiểu sai các quy định về thuế khiến doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh trốn thuế bất đắc dĩ. Bên cạnh đó, ở một mức độ nào đó, chuyển giá là một công cụ tài chính nhằm tăng lợi nhuận một cách hợp pháp. Vấn đề là luật chấp nhận ở mức độ nào.
Thu thuế phải là việc hợp tác giữa người thu thuế và người đóng thuế nhằm thực hiện nghĩa vụ thuế - bà Hương Vũ nhận định.
Thay đổi tư duy hành pháp rõ ràng là điều không thể thực hiện trong một sáng một chiều.