Một năm đau đầu với ông chủ SoftBank

Forbes nhận định, thật khó để thấy nhà đầu tư nào có một năm tồi tệ hơn “Warren Buffett của Nhật Bản”.
Ông Masayoshi Son. Ảnh:Forbes
Ông Masayoshi Son. Ảnh:Forbes

Biệt danh này được đặt cho Masayoshi Son trong giai đoạn năm 2000 – 2014 khi ông chủ SoftBank thực hiện một trong những vụ đầu tư táo bạo nhất lịch sử. 19 năm trước, Son rót vốn 20 triệu USD cho một giáo viên tiếng Anh tại Hàng Châu, Trung Quốc. Đến khi Jack Ma IPO Alibaba năm 2014, Son đã được nhận lại lợi nhuận 1.000%.

Son công bố quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD năm 2016 không chỉ nhằm tạo ra thêm nhiều thương vụ rót vốn "mát tay", mà còn mở rộng thêm quy mô của SoftBank. Tuy nhiên, kế hoạch này mang đến nhiều thất bại hơn là thành công. WeWork, Uber, Lyft, Slack đang đi xuống và sắp tới sẽ còn thêm những cái tên khác. Những startup này đã khiến SoftBank lỗ 6,4 tỷ USD từ tháng 7 đến tháng 9.

Hiện tại, những điều không vui đang dồn dập đến với Masayoshi Son. SoftBank hiện gặp vấn đề khi huy động 100 tỷ USD cho quỹ Vision Fund thứ 2. Các nhà đầu tư ban đầu không muốn mở hầu bao trong bối cảnh sắc đỏ gia tăng trên thị trường.

Telegraph cũng vừa cho biết, quỹ thứ 2 của Son có thể nhỏ hơn 30% so với mục tiêu ban đầu. Dù vậy, vẫn là tích cực nếu Son gọi được số tiền như vậy khi nền kinh tế toàn cầu, thị trường có xu hướng không chắc trong năm 2020.

Theo Forbes, Son cần phải xem xét lại các khoản đầu tư. Ông có xu hướng trả quá nhiều cho cổ phần của các startup. Một số ý kiến cho rằng, đội ngũ của Son nên tạm gác quỹ Vinsion Fund thứ 2 lại và tập trung vào ưu tiên tạo ra lợi nhuận nhiều nhất có thể.

Thất bại của WeWork đã cho thấy sự cần thiết của việc đặt lợi nhuận và quản trị lên hàng đầu. Mới đây, SoftBank đã cam kết rót 38 tỷ USD của tập đoàn này vào quỹ đầu tư thứ hai. Thậm chí, Son cũng công bố chính sách cho nhân viên SoftBank vay tiền mặt nếu họ rót tiền vào quỹ mới. Một điều cũng gây tranh cãi là nỗ lực của Son để cứu WeWork – doanh nghiệp đang được coi là zombie (xác sống).

Lý do cho tất cả vấn đề này là việc định giá của SoftBank với các hãng công nghệ 20 năm qua. Khoản đặt cược vào Alibaba và Yahoo Nhật Bản đã cứu Son sau giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Tuy nhiên, những thương vụ thành công như vậy ngày càng ít đi. Tháng 8 năm ngoái, ông gọi WeWork là "Alibaba kế tiếp" nhưng kết quả hiện ngược lại. Có lẽ, Son cũng nghĩ vậy khi đồng ý rót tiền với Uber.

Tin cùng chuyên mục