Một năm EVFTA, bước ngoặt và thử thách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp trở ngại trong việc đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định nên đã bỏ lỡ không ít cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan vào thị trường rất tiềm năng này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đã có mặt hàng hưởng lợi

Tháng 6 vừa qua, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) lần đầu tiên lên máy bay và được đón nhận tích cực từ người tiêu dùng tại các nước châu Âu. Đây là lô hàng xuất khẩu theo EVFTA. Trong khi đó, số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt hơn 596 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và vận tải.

Đó là một vài trong số nhiều loại hàng hoá của Việt Nam đang hưởng lợi từ EVFTA. Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương nhận định: “Nhìn chung, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt, trong đó có vai trò hỗ trợ đáng kể từ EVFTA, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, khó lường”.

Còn theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): “27 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Kết quả chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II của EuroCham cũng cho thấy hai phần ba thành viên hiệp hội này được hưởng lợi từ EVFTA. EVFTA là hiệp định cùng thắng, thành quả này sẽ còn lớn hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực”.

Còn không ít trở ngại

EU là thị trường lớn, hứa hẹn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng theo ông Vũ Bá Phú, dù nhiều hàng hoá xuất nhập khẩu được cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, song dường như 1 năm qua doanh nghiệp Việt không những chưa khai thác được triệt để lợi thế mang lại từ EVFTA mà còn đối mặt với rất nhiều thách thức. Có thể thấy, EU đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.

Bên cạnh đó, mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.

Còn theo ông Tô Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu để chế biến thuỷ sản xuất khẩu, làm giảm ý nghĩa từ việc tận dụng cơ hội thuế xuất khẩu sang thị trường EU thấp nhờ EVFTA. Nhiều mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc chế biến được hưởng thuế quan 0% từ năm 2020 nhưng thiếu nguồn nguyên liệu.

“Với nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt trong nước, việc lấy được các chứng nhận xuất xứ và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là khó khăn do hải sản khai thác tại Việt Nam chưa được gỡ thẻ vàng IUU (khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Ngoài ra, tình trạng thiếu container rỗng và tàu hàng đến châu Âu đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Do đó, dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tháng còn lại của năm sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước”, ông Nam cho biết.

Theo ông Vũ Bá Phú, để giải quyết các thách thức và tăng hiệu quả thực thi EVFTA, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan để tăng cường việc định hướng các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội từ thị trường EU.

Các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất tạo ra các chuỗi giá trị theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc, xuất xứ của thị trường EU qua các chứng nhận Global GAP, hữu cơ, thương mại công bằng...; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển lưu thông đảm bảo thông suốt...

Còn theo ông Alain Cany, EVFTA là hiệp định phức tạp với các tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hoá và nguyên tắc thực thi, do đó, đòi hỏi các nước phải có thời gian và nỗ lực để thích nghi. EuroCham sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp EU và Việt Nam để cùng đưa ra cách thức và giải quyết những trở ngại hiện nay.

“EVFTA sẽ không thể thành công nếu thiếu nỗ lực hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU. Khảo sát môi trường kinh doanh của EuroCham cho thấy, trở ngại lớn nhất với doanh nghiệp vẫn là thủ tục hành chính. Hơn một phần ba thành viên của EuroCham cho biết, những thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu là rào cản đáng ngại. Hay nói cách khác, việc thực thi Hiệp định không phải là điểm cuối của con đường. Thương mại tự do, công bằng và có nguyên tắc là con đường hồi phục của chúng ta khi đại dịch được kiểm soát. Vì vậy, dù gặp phải những thách thức ngắn hạn này, chúng ta cũng không được để mất tầm nhìn về những cơ hội dài hạn mà EVFTA mang lại”, ông Alain nhận định.

Tin cùng chuyên mục