Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt mức kỷ lục 7,08%, cao nhất trong 1 thập kỷ qua. Ảnh: Lê Tiên |
Luôn xung kích trong đổi mới
Một năm trước, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận các cán bộ làm công tác kế hoạch và đầu tư luôn là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế trong suốt quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT phải tiếp tục tiên phong trong đổi mới, cải cách thể chế, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố nền tảng cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Trước những nhiệm vụ lớn, những kỳ vọng mà lãnh đạo Chính phủ đặt ra, một năm qua, Bộ KH&ĐT đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần cải cách, đổi mới, tư duy tiên phong, quyết liệt hành động.
“Đổi mới, cải cách là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong hơn 30 năm qua, là xu thế tất yếu để phát triển. Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp về điều hành phát triển KTXH, cũng ý thức được vấn đề này, luôn quán triệt trong toàn bộ cán bộ công nhân viên phải đổi mới, sáng tạo, cải cách. Từ xây dựng thể chế đến tham mưu chính sách đều trên tinh thần đó. Đồng thời luôn lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể hướng đến trong xây dựng thể chế, chính sách”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Với tinh thần ấy, Bộ KH&ĐT đã có nhiều giải pháp chính sách, tham mưu điều hành hiệu quả, góp phần vào sự thành công chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2018. Sau rất nhiều năm, các chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao đều đạt và vượt mục tiêu, với kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được ổn định với kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn mức dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 3,54%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, tăng trưởng bền vững hơn; có sự chuyển biến rõ rệt, thực chất hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược…
Dù nhiệm vụ được giao rất lớn, nhiều nhất trong các bộ, nhưng Bộ KH&ĐT đã cơ bản hoàn thành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các đề án, báo cáo, kiến nghị do Bộ tham mưu đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, bám sát chủ đề hành động của Chính phủ năm 2018, tận dụng tối đa các cơ hội phát triển KTXH.
Một trong những kết quả nổi bật của Bộ năm qua là tiếp tục đề xuất hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ phân công. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý quy hoạch, thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới về phát triển KTXH; triển khai các nội dung liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)...
Đối với yêu cầu đổi mới công tác kế hoạch hóa, Bộ đã tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lồng ghép nội dung giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH năm 2019 trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (NQ 01), vừa bảo đảm phân công cụ thể từng bộ, ngành trung ương chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển KTXH đã được Quốc hội giao, vừa góp phần tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu với hệ thống nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019...
Tiếp tục tiên phong trong cải cách và phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ mới, như cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình kinh tế mới phát sinh từ CMCN 4.0; xây dựng Luật PPP để thu hút đầu tư từ xã hội cho đầu tư phát triển; sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển thành động lực tăng trưởng; sửa đổi Luật Đầu tư công để quản lý sử dụng hiệu vốn hiệu quả hơn. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT được giao là cơ quan thường trực của Tiểu ban KTXH để tổng kết Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược 10 năm tới; tổng kết Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Năm 2019, Bộ KH&ĐT khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Bộ sẽ tiếp tục tiên phong trong cải cách và phát triển, góp phần đưa nền kinh tế có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra.
Ngày 10/1/2019, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT để triển khai NQ 01 của Chính phủ. Là một trong những bộ sớm ban hành Chỉ thị thực hiện NQ 01 của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã vạch rõ 23 nhóm nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-BKHĐT, phân công tổ chức thực hiện cụ thể, tinh thần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu từng đơn vị trong Bộ.
Một số sự kiện, sáng kiến có tiếng vang do Bộ KH&ĐT tổ chức trong năm 2018:
* Chương trình kết nối xây dựng “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” tháng 8/2018 với sự tham gia của 100 chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài. Chương trình đã tạo được những kết nối quan trọng, có giá trị cả trong và ngoài nước, tạo được dấu ấn lan tỏa về việc kết nối tri thức người Việt. Đồng thời, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 và xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
* Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”. Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 30 năm thu hút FDI ở nước ta. Từ đó, có đánh giá khách quan những kết quả đạt được, tạo sự đồng thuận chung về những tác động tích cực của FDI đối với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng cường liên kết vùng, cũng như nhận diện rõ những tồn tại, bất cập để đưa ra hướng đi mới, trong bối cảnh mới đối với nguồn vốn đầu tư quan trọng này.
* Diễn đàn thường niên Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”: VRDF là sự tiếp nối và kế thừa Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây nhưng có nội dung mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách và phát triển của Việt Nam, với sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, khu vực tư nhân…