Mùa Covid-19, các “ông lớn” viễn thông làm ăn ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 được công bố, bức tranh về hoạt động của các nhà mạng lớn đã cho thấy những dấu hiệu khó khăn. Tuy nhiên, các “ông lớn” viễn thông đã có nhiều thay đổi trong phương thức, chiến lược kinh doanh để thích ứng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận gộp của MobiFone đạt 2.969 tỷ đồng, giảm tới 36% so với cùng kỳ 2019. Ảnh: Tiên Giang
6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận gộp của MobiFone đạt 2.969 tỷ đồng, giảm tới 36% so với cùng kỳ 2019. Ảnh: Tiên Giang

Người tăng, kẻ giảm

Trong số ba “ông lớn” viễn thông gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thì MobiFone là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 vừa được MobiFone công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng qua của nhà mạng này đạt hơn 12.068 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận gộp đạt 2.969 tỷ đồng, giảm tới 36% so với cùng kỳ năm trước.

Do lợi nhuận gộp giảm mạnh nên tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2020 của MobiFone chỉ đạt 1.636 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2019 (ở mức 2.644 tỷ đồng). Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của MobiFone đạt 30.893 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (31.035 tỷ đồng).

Không ảnh hưởng nặng như MobiFone, Tập đoàn VNPT trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay cho biết đạt trên 24.200 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 7.036 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Do có nhiều mảng kinh doanh (không phụ thuộc gần như toàn bộ vào viễn thông di động như MobiFone) cùng việc lợi nhuận gộp không giảm mạnh nên trong 6 tháng đầu năm 2020, VNPT vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 3.595 tỷ đồng, tăng gần 1% so cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Viettel, tập đoàn này cho biết, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1 % so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 19,85 nghìn tỷ đồng, bằng xấp xỉ 110,2% kế hoạch.

Trong khi đó, năm 2019, thông tin từ Viettel, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 110.000 tỷ đồng (tăng 7,4% so với năm 2018), lợi nhuận đạt 21.300 tỷ đồng (vượt 24,7% so với kế hoạch).

Giải pháp “chống Covid-19” của nhà mạng

Tập đoàn VNPT trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay cho biết đạt trên 24.200 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 7.036 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc giảm doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông sau kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm không phải là điều bất ngờ. Bởi từ đầu tháng 4/2020, trong báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến 19 tập đoàn và tổng công ty được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Thủ tướng, VNPT và MobiFone đã đưa ra những dự tính về việc giảm doanh thu và lợi nhuận khá mạnh.

Trong đó, VNPT dự tính giảm 817 tỷ đồng lợi nhuận và giảm 6.161 tỷ đồng doanh thu, còn MobiFone dự kiến giảm 1.526 tỷ đồng lợi nhuận và 6.684 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Do không có nhiều lĩnh vực kinh doanh như VNPT và Viettel (như không có Internet cáp quang, sản xuất công nghiệp…), để tối ưu hoạt động kinh doanh, MobiFone đã tăng cường chuyển từ gửi tiền ngân hàng kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) sang kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên). Theo đó, tiền gửi ngắn hạn giảm từ 10.100 tỷ đồng xuống 6.800 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi dài hạn tăng từ 3.600 tỷ đồng lên 5.840 tỷ đồng. Theo báo cáo, trong kỳ, MobiFone cũng ghi nhận hơn 500 tỷ đồng doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi).

Với VNPT và Viettel, việc đẩy mạnh kinh doanh các mảng có lợi thế riêng, như dịch vụ số, hạ tầng cáp quang, thanh toán số, kinh doanh các dịch vụ cloud… đã hỗ trợ khá tốt cho sự sụt giảm của mảng kinh doanh viễn thông di động.

Đối với Viettel, tập đoàn này cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn toàn Tập đoàn đã phải thay đổi phương thức, chiến lược kinh doanh để có thể thích ứng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nhờ đó, doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số tăng trưởng 57% so với cùng kỳ 2019. Chỉ tính riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số đã đem về doanh thu 2,4 nghìn tỷ đổng, tăng trưởng 60%.

Ngoài ra, Viettel cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán số trên hệ sinh thái ViettelPay: gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, bảo hiểm số và đầu tư số; xây dựng giải pháp thẻ du lịch, hệ thống bán vé và kiểm soát vé điện tử. Tổng số lượng giao dịch trên ViettelPay trong 6 tháng đầu năm tăng 186% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin cùng chuyên mục