Dù trúng thầu, song hầu hết nhà thầu nội vẫn nhập toàn bộ dây chuyền sản xuất công tơ điện tử. Ảnh: Nhã Chi st |
Có ít nhà thầu nội tham gia gói thầu
Mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu một loạt gói thầu mua sắm với tổng giá trị mua sắm lên tới gần 290 tỷ đồng, trong đó, có hai gói thầu mua sắm công tơ điện tử có tổng giá trị gần 240 tỷ đồng (Gói 1 và Gói 2).
Đây là hai gói thầu mua sắm thuộc Dự án Mua sắm công tơ điện tử một pha một giá có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF và hệ thống tự động thu thập dữ liệu công tơ AMR phục vụ sản xuất kinh doanh điện 6 tháng đầu năm 2016. Sau quá trình lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng đã trúng thầu Gói 1: “132.000 công tơ một pha một giá công nghệ RF và 500 DCU” với giá trúng thầu là 120,9 tỷ đồng. Gói 1 có giá là 121,2 tỷ đồng, sử dụng nguồn kinh phí từ chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của các đơn vị.
Tại Gói 2: “128.000 công tơ một pha một giá công nghệ RF và 500 DCU” sau khi lựa chọn nhà thầu, Gói thầu đã thuộc về “tay” Liên danh IFC-TSI-ELCOM trúng thầu với giá 117,1 tỷ đồng. Gói 2 lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Thông tin về nhà thầu trúng thầu 2 gói thầu mua sắm công tơ điện tử nêu trên, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, đó là những nhà thầu có uy tín trong nước, có khả năng cung ứng khá tốt.
Chia sẻ về quá trình lựa chọn nhà thầu Gói 1 và 2, đại diện Ban Vật tư thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, việc mua sắm công tơ điện tử một pha một giá có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF và hệ thống tự động thu thập dữ liệu công tơ AMR là để thay thế công tơ cơ khí trước đây cho các tỉnh miền Bắc. “Tham gia lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu này dù đã có nhà thầu trong nước trúng thầu, tuy nhiên trong quá trình tổ chức đấu thầu, chúng tôi nhận thấy số lượng nhà thầu Việt Nam tham gia cung ứng vật tư, thiết bị điện trong nước sản xuất được rất hạn chế”. Đề cập về vấn đề này, vị đại diện Ban Vật tư lý giải: “Vì năng lực của các nhà cung ứng trong nước đối với thiết bị công nghệ cao như công tơ điện tử có hạn, trong khi đó việc sản xuất công tơ điện tử không đơn giản, đòi hỏi độ chính xác cao nên số lượng nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu cung ứng thiết bị không nhiều, khoảng 1-2 nhà thầu”.
Doanh nghiệp trong nước sản xuất vỏ nhựa, ốc vít,… là chính
Theo chia sẻ của vị đại diện Ban này, điều đáng nói là dù cung ứng được công tơ điện tử, song hầu như các nhà sản xuất trong nước vẫn nhập khẩu toàn bộ dây chuyền công nghệ, nhất là phần bản mạch của công tơ. Doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất vỏ nhựa, ốc, vít mà đôi khi ốc, vít này vẫn còn hoen gỉ… “Chẳng hiểu sao chất lượng của hàng Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi...?” – vị đại diện này đặt câu hỏi.
Trước thực tế đó, người phụ trách công tác mua sắm của Ban Vật tư khuyến nghị các nhà thầu cung ứng trong nước cần tăng cường đầu tư cả về nhân lực, công nghệ để nâng cao hơn nữa chất lượng vật tư, thiết bị cung cấp cho ngành điện.
Thông tin thêm về khả năng cung ứng vật tư, thiết bị công nghệ cao cho ngành điện của các nhà thầu nội, nhiều đơn vị khác trong ngành điện cũng khẳng định, hiện khả năng cung ứng của các nhà thầu nội đối với lĩnh vực này còn khiêm tốn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Ban Quản lý xây dựng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, với quy định mới trong Luật Đấu thầu 2013 và được hướng dẫn tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã và đang tạo thêm những cơ hội rất tốt cho các nhà thầu trong nước tham gia cung ứng vật tư, thiết bị cho ngành điện trong việc khai thác thị trường nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể là đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau.