Mua sắm tập trung tại Sở Giáo dục và Đào tạo Long An: 3 gói thầu trăm tỷ cạnh tranh ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Long An vừa hoàn tất mở thầu 3 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng chức năng cho các trường phổ thông năm 2025, với tổng dự toán 226,933 tỷ đồng. Dù quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) gây nhiều tranh cãi, song các gói thầu vẫn thu hút đông đảo nhà thầu trong lĩnh vực thiết bị học đường tham gia cạnh tranh.
Sở GD&ĐT Long An vừa hoàn tất mở thầu 3 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng chức năng cho các trường phổ thông năm 2025, với tổng dự toán 226,933 tỷ đồng. Ảnh: TL
Sở GD&ĐT Long An vừa hoàn tất mở thầu 3 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng chức năng cho các trường phổ thông năm 2025, với tổng dự toán 226,933 tỷ đồng. Ảnh: TL

Ba gói thầu trên đều được phát hành HSMT từ ngày 4 - 22/4/2025, do Công ty TNHH Đầu tư thiết bị CRYSTAL tư vấn lập HSMT, Tổ chuyên gia thuộc Sở GD&ĐT Long An thẩm định HSMT.

Theo biên bản mở thầu, Gói thầu số 1 Mua sắm thiết bị phòng máy tính cho các trường phổ thông năm 2025 (giá dự toán 94,41 tỷ đồng) có 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Đó là Liên danh Long An (Công ty CP DSM Corp đại diện, giá dự thầu 79,999 tỷ đồng); Liên danh Nhất Bảo (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Tín đại diện, giá dự thầu 90,576 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Viễn Đông (giá dự thầu 90,946 tỷ đồng); Liên danh Gói thầu số 1 (Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Hồng Anh đại diện, giá dự thầu 92,163 tỷ đồng).

Gói thầu số 2 Mua sắm thiết bị bàn ghế, thiết bị phòng học ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật năm 2025 (giá dự toán 66,56 tỷ đồng) thu hút sự tham dự của 3 nhà thầu, gồm: Liên danh Hòa Đăng Anh (Công ty CP Quốc tế Nguyên Anh đại diện, giá dự thầu 63,958 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Viễn Đông (giá dự thầu 64,116 tỷ đồng); Liên danh Gói thầu số 2 (Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Hồng Anh đại diện, giá dự thầu 64,889 tỷ đồng).

Tại Gói thầu số 3 Mua sắm thiết bị phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ cho các trường THCS, THPT năm 2025 (giá dự toán 58,678 tỷ đồng), 3 nhà thầu tham dự là: Liên danh Gói thầu số 3 (Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Hồng Anh đại diện, giá dự thầu 56,323 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Tín (giá dự thầu 56,863 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Viễn Đông (giá dự thầu 56,943 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, các nhà thầu trên đều từng trúng thầu tại các kế hoạch mua sắm tập trung thiết bị giáo dục quy mô lớn trên cả nước. Trong đó, Công ty CP Quốc tế Nguyên Anh là nhà cung cấp Gói thầu Mua sắm thiết bị phòng bộ môn cho các trường phổ thông năm 2023 tại Sở GD&ĐT Long An (46,583 tỷ đồng); Gói thầu Thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 năm 2023 tại Sở GD&ĐT Tiền Giang (37,704 tỷ đồng); Gói thầu Mua sắm thiết bị trường học năm 2023 tại Sở GD&ĐT Lâm Đồng (13,531 tỷ đồng)...

Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Hồng Anh từng được công bố trúng Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 năm 2023 tại Sở GD&ĐT Bạc Liêu (29,3 tỷ đồng); Gói thầu Mua sắm thiết bị phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ cho các trường THCS năm 2023 tại Sở GD&ĐT Long An (11,249 tỷ đồng)...

Trong quá trình mời thầu, các gói thầu trên phát sinh kiến nghị xoay quanh một số yêu cầu của HSMT được cho là có thể gây bất lợi, dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Đối với danh mục máy tính tại Gói thầu số 1, tổ hợp thông số kỹ thuật tại HSMT được cho là hướng đến “máy tính đồng bộ thương hiệu CMS, xuất xứ Việt Nam”, giới hạn sản phẩm tham gia chào thầu.

Tại Gói thầu số 3, HSMT yêu cầu về tiêu chuẩn FCC, CE, RoHS, WEEE đối với các sản phẩm: cảm biến điện thế và dòng điện, cảm biến nhiệt độ, cảm biến lực, bộ dụng cụ thí nghiệm về sóng âm, cảm biến đo áp suất khí, cảm biến đo pH, cân điện tử, cảm biến oxy không khí, cảm biến oxy hòa tan, cảm biến ánh sáng, bộ thiết bị đo kĩ thuật số tích hợp, cảm biến âm thanh, cảm biến điện thế và dòng điện... Trong đó, tiêu chuẩn FCC được cấp để đảm bảo rằng sản phẩm công nghệ không gây nhiễu điện từ vượt quá giới hạn cho phép khi phân phối tại thị trường Mỹ. CE là chứng nhận bắt buộc đối với một số loại sản phẩm được lưu thông trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), được xem như “hộ chiếu” kỹ thuật thương mại, giấy thông hành cho sản phẩm tại các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU). RoHS là bộ quy tắc tiêu chuẩn áp dụng đối với tất cả sản phẩm điện - điện tử được bán tại thị trường châu Âu. Tương tự, WEEE là một chỉ thị của EU nhằm kiểm soát và giảm thiểu tác động tiêu cực của thiết bị điện và điện tử đến môi trường, áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối thiết bị điện và điện tử tại thị trường châu Âu. Theo nhà thầu, danh mục hàng hóa thuộc Gói thầu nằm ngoài phạm vi áp dụng các tiêu chuẩn trên. Trong khi đó, Bên mời thầu khẳng định, các tiêu chí này không vi phạm nội dung cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục