![]() |
Đầu tháng 4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang hoàn tất mở thầu Gói thầu số 18 Thi công xây dựng và thiết bị thuộc Dự án Cụm công trình thủy lợi vùng cao Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ảnh: TL |
Liên tục hủy thầu
Ngày 15/4/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai ra quyết định hủy thầu Gói thầu số 05 Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự toán Bổ sung thiết bị triển khai chuyển đổi số Bệnh viện, có giá 185,18 tỷ đồng. Quyết định hủy thầu này đã đưa Gói thầu quay trở lại “vạch xuất phát” sau 3 lần đấu thầu không thành.
Gói thầu được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) lần đầu từ ngày 4 - 27/12/2024, với sự tham dự 4 nhà thầu. Ngày 31/12/2024, Gói thầu bị hủy thầu do không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của HSMT. Trong lần đấu thầu thứ hai (phát hành HSMT từ ngày 10/1 - 6/2/2025), 4 nhà thầu tham dự trước đó tiếp tục nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của HSMT. Gói thầu bị thông báo hủy thầu lần 2 vào ngày 25/2/2025. Lần mời thầu này ghi nhận 3 nhà thầu tham dự, song vẫn phải hủy thầu do không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của HSMT.
Theo tìm hiểu, tại các lần mời thầu, Gói thầu không chỉ bị kiến nghị về HSMT, mà còn phát sinh kiến nghị phức tạp về kết quả lựa chọn nhà thầu. Trọng tâm là các phản ánh về tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính định hướng thương hiệu, nhà sản xuất. Đơn cử, máy chủ vật lý hướng đến sản phẩm của hãng Fujitsu (Nhật Bản), máy tính bảng hướng đến hãng ASUS... Đáng chú ý, HSMT còn yêu cầu các nhân sự chủ chốt có các chứng chỉ đào tạo của hãng đối với phần mềm (kỹ sư phụ trách chung có bằng VMware VCP 7 Data Center; kỹ sư phụ trách công nghệ thông tin có bằng sao lưu dữ liệu Veeam VMCE), dẫn đến hạn chế cạnh tranh.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Gói thầu số 35 Xây lắp từ Km3+498 (trụ T74 tuyến cầu cạn) đến cuối tuyến thuộc Dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn) có dự toán 1.805,376 tỷ đồng đang được Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo mời thầu lần thứ 3, dự kiến mở thầu ngày 21/4/2025. Trước đó, lần lượt ngày 18/12/2024 và 27/3/2025, Gói thầu bị hủy thầu do các nhà thầu tham dự đều không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT.
Đầu tháng 4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang hoàn tất mở thầu Gói thầu số 18 Thi công xây dựng và thiết bị thuộc Dự án Cụm công trình thủy lợi vùng cao Bảy Núi, tỉnh An Giang. Đây là lần đấu thầu thứ 3 sau khi Gói thầu bị hủy vào năm 2023 và 2024. Theo yêu cầu của HSMT, hợp đồng tương tự gồm “công trình và hạng mục như trạm bơm, kênh cấp và công trình trên kênh”, trong khi đó, pháp luật đấu thầu quy định, trường hợp gói thầu gồm công trình và hạng mục theo quy định của pháp luật về xây dựng thì chỉ yêu cầu về hợp đồng tương tự đối với công trình. Yêu cầu “lệch chuẩn” này dẫn đến sự sai lệch trong kết quả đánh giá HSDT, làm phát sinh tình huống và kiến nghị phức tạp kéo dài.
Hệ lụy nhiều chiều
Việc một gói thầu bị hủy và phải mời thầu lại nhiều lần có thể gây ra nhiều hệ lụy cả về mặt pháp lý, tài chính lẫn uy tín đối với các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu. Chia sẻ với phóng viên, một số chủ đầu tư cho biết, dù xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay khách quan, việc hủy thầu sẽ làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án, vấn đề trở nên nghiêm trọng nếu dự án có tính chất cấp bách liên quan đến hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội, hoặc những dự án trọng điểm bị áp lực về thời gian hoàn thành. Trong trường hợp bị trì hoãn quá lâu, cùng với biến động thị trường, giá cả nguyên vật liệu, nhân công, chi phí quản lý có thể tăng theo thời gian, dẫn đến tình trạng đội vốn. Ngoài ra, các bên tổ chức đấu thầu còn bị ảnh hưởng đến uy tín và chịu tổn thất về chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Về phía nhà thầu, đó là tổn thất về chi phí, cơ hội. Thậm chí, niềm tin của các nhà thầu vào một môi trường đấu thầu minh bạch, cạnh tranh có thể bị ảnh hưởng nếu việc hủy thầu xảy ra thường xuyên hoặc không có lý do hợp lý. Một số nhà thầu chia sẻ, họ không “mặn mà” với việc tham dự lại một gói thầu bị hủy nhiều lần, điều này dẫn đến giảm sự cạnh tranh trong đấu thầu.
Năm 2024, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu của nhiều địa phương chỉ ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu là năng lực của một số chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu còn hạn chế, chưa nắm chắc nghiệp vụ. Theo chuyên gia đấu thầu, một số trường hợp, việc gói thầu đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu song phải hủy thầu do những bất cập trong quá trình lập HSMT, đánh giá HSDT có thể khiến chủ đầu tư, bên mời thầu đối mặt với trách nhiệm pháp lý theo quy định.