![]() |
Luật Đấu thầu 2023 có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước được tham dự thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) vừa đóng, mở thầu Gói thầu số 1 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch xã Đường Hoa, huyện Hải Hà (giá gói thầu 8,66 tỷ đồng). HSMT yêu cầu các thiết bị như: máy bơm Pentax CM65-160B, biến tần Mitsubishi FR-CS84-295-60, máy bơm mồi loại LEPONO 4ACM 100S 1Hp, tính cho cả 2 trạm. Nhà thầu cho rằng, HSMT nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, mã hiệu, xuất xứ hàng hóa, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Sau phản ánh của nhà thầu, Bên mời thầu đã điều chỉnh lại nội dung này trong HSMT. Ngày 21/4/2025, Gói thầu được đóng/mở thầu với sự tham dự của 3 nhà thầu.
UBND thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đang phát hành HSMT Gói thầu số 1 Thi công xây dựng công trình + mua sắm, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Cải tạo, sửa chữa dãy nhà lớp học, phòng lớp học thông minh và các hạng mục phụ trợ Trường THCS Cao Mại, thị trấn Lâm Thao, dự kiến đóng/mở thầu ngày 25/4/2025.
Trong quá trình mời thầu, một nhà thầu có văn bản đề nghị làm rõ yêu cầu về thiết bị dạy học tại HSMT: bảng trượt 3 cánh có xuất xứ Việt Nam, cấu tạo các lớp bảng có bề mặt bảng được làm bằng thép phủ sơn chống lóa 2 lớp nhập khẩu Hàn Quốc có dòng kẻ ô ly mờ… Nhà thầu dẫn chiếu Phụ lục 10 Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT và cho rằng, việc yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Phúc đáp nội dung này, Bên mời thầu cho biết, hiện nay, bảng từ trượt dùng cho việc dạy học đã được chuẩn hóa. Đối với vật liệu mặt bằng hiện nay được nhập khẩu từ Hàn Quốc, công tác gia công, lắp ráp đều được thực hiện tại Việt Nam để phù hợp với điều kiện thi công, kích thước hình học và việc sử dụng. Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 10 Luật Đấu thầu, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 3 hãng sản xuất cho 1 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này. Do đó, Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí đưa ra trong HSMT.
Tương tự, Gói thầu số 3 Toàn bộ phần xây dựng + thiết bị thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp nhà lớp học 12 phòng 3 tầng và các hạng mục phụ trợ Trường THCS xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng (nay là thị xã Kim Bảng), tỉnh Hà Nam do UBND xã Thụy Lôi mời thầu cũng phát sinh đề nghị làm rõ liên quan tới việc nêu nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa. Cụ thể, HSMT yêu cầu nhiều hàng hóa có xuất xứ Việt Nam như: bàn học sinh gỗ N3, ghế học sinh gỗ N3, bàn giáo viên gỗ lim, ghế giáo viên gỗ lim, tủ sắt 8 ngăn… Ngoài ra, một số thiết bị được HSMT yêu cầu cụ thể nhãn hiệu như: loa JBL, loa Sub JBL, cục đẩy Crown, bàn trộn âm thanh Mixer Yamaha, cây nước nóng lạnh Kangaroo, máy lạnh Daikin Inverter… Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ các nội dung trên, đồng thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với quy định.
Gói thầu dự kiến đóng/mở thầu vào ngày 24/4/2025. Tới 15 giờ ngày 22/4/2025, đề nghị làm rõ chưa được Bên mời thầu phúc đáp.
Theo chuyên gia đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2023 đã có những quy định tạo điều kiện cho hàng hóa sản xuất trong nước được tham dự thầu. Điểm e khoản 3 Điều 10 Luật Đấu thầu quy định, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 3 hãng sản xuất cho 1 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này. Khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu quy định, HSMT được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì HSMT được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, ngoài các trường hợp được nêu tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu, HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.