Nhà thầu Việt làm gì để tận dụng cơ hội từ các FTA?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những cam kết về đấu thầu trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA tạo ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị trường quốc tế thông qua kênh đấu thầu. Vậy nhà thầu Việt cần chuẩn bị gì để tận dụng được cơ hội này?
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Là đơn vị cung cấp, thi công đá tự nhiên cho nhiều công trình lớn trong nước, bên cạnh tiếp tục phát triển thị trường trong nước, Công ty CP Tập đoàn Vinastone xác định mục tiêu đưa đá tự nhiên Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinastone chia sẻ, trong lĩnh vực đấu thầu, do cung cấp sản phẩm chuyên biệt, nên Vinastone thường tham gia vào các dự án đầu tư công với vai trò thầu phụ. Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm là làm thế nào có thể tiếp cận thông tin dự án, gói thầu, nhà thầu chính để kết nối, hợp tác và nắm được cơ hội tham gia đấu thầu ở thị trường quốc tế…

Băn khoăn của lãnh đạo Vinastone cũng là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ theo một kết quả khảo sát của Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Tài chính.

Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia đấu thầu để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường quốc tế, đồng thời tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Cục Quản lý đấu thầu tiến hành khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc… Từ đó tạo cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mang lại cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

Khi khảo sát về lợi thế cạnh tranh chính của doanh nghiệp, thì các nhà thầu cho biết những lợi thế chính là có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm; có năng lực chuyên môn cao; có giá thành cạnh tranh… Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội từ những gói thầu thuộc diện mở cửa trong các FTA.

Theo kết quả khảo sát, 83,9% doanh nghiệp chưa biết về cơ hội đấu thầu trong các FTA, 1,1% đang tích cực tận dụng FTA, 43,6% đang tìm kiếm cơ hội quốc tế, 40,2% chưa có kế hoạch cụ thể.

Với câu hỏi doanh nghiệp gặp phải những thách thức chủ yếu nào để tham gia đấu thầu ở nước ngoài hoặc xuất khẩu, kết quả khảo sát cho thấy, 67,1% doanh nghiệp cho biết còn thiếu thông tin thị trường và cơ hội đấu thầu; 50% chia sẻ không hiểu quy định nước ngoài và 48,8% thiếu cơ hội kết nối; một số phản ánh vướng mắc về rào cản ngôn ngữ, thủ tục phức tạp,…

Nhà thầu Việt Nam có năng lực và kinh nghiệm, nhưng đang thiếu thông tin thị trường và cơ hội đấu thầu trong các hiệp định thương mại tự do. Ảnh: Nhã Chi
Nhà thầu Việt Nam có năng lực và kinh nghiệm, nhưng đang thiếu thông tin thị trường và cơ hội đấu thầu trong các hiệp định thương mại tự do. Ảnh: Nhã Chi

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, những cam kết về đấu thầu trong các FTA bảo đảm không phân biệt đối xử, cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu từ các nước tham gia hiệp định. Trong bản chào của các nước thuộc hiệp định, có danh sách cơ quan, lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa, xây lắp mở cửa, ngưỡng giá gói thầu từng nước áp dụng với gói thầu của mình. Trong hiệp định, mỗi nước cũng phải liệt kê địa chỉ trang web đăng tải các cơ hội về đấu thầu, quy định pháp lý về đấu thầu của nước mình.

Chia sẻ việc bản thân đã đăng ký tài khoản nhà thầu và đấu thầu một số gói thầu FTA của Australia, Singapore, cả thời gian đăng ký và nộp hồ sơ, nếu không kể thời gian làm hồ sơ dự thầu, chỉ mất 3 - 5 phút, ông Phạm Hùng Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế thuộc Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, thủ tục đăng ký đấu thầu rất thuận tiện, doanh nghiệp Việt Nam, với những lợi thế như đã chia sẻ tại khảo sát, hoàn toàn có thể tự tin tham gia.

Ông Phạm Hùng Anh gợi ý một số bước mà nhà thầu Việt Nam có thể thực hiện để tham gia gói thầu FTA. Ở giai đoạn chuẩn bị, nhà thầu chọn 1 - 2 thị trường FTA phù hợp, hoàn thiện các chứng chỉ cần thiết, xây dựng hồ sơ năng lực song ngữ. Giai đoạn tiếp theo, doanh nghiệp bắt đầu thăm dò thị trường, thực hiện đăng ký tài khoản, tham gia gói thầu nhỏ, xây dựng mạng lưới đối tác, kết nối doanh nghiệp bản địa. Sau khi tìm hiểu, nắm được quy định, có thể sang giai đoạn thuần thục, tham gia đấu thầu thường xuyên, mở rộng sang thị trường FTA khác, trở thành nhà thầu chính. Sau đó có thể tiếp tục mở rộng, thâm nhập thị trường ngoài FTA, hướng dẫn doanh nghiệp khác.

“Cục Quản lý đấu thầu sẽ thường xuyên cập nhật hoạt động mới, báo cáo nghiên cứu thị trường, tổ chức hội thảo chuyên đề, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, cung cấp những thông tin cơ bản về thị trường mà doanh nghiệp đang quan tâm…”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết.

Tin cùng chuyên mục