Quang cảnh hội nghị công bố chỉ số PAPI năm 2021. |
Kết quả khảo sát từ 15.833 người dân cho thấy, nhiều chỉ số nội dung có xu hướng giảm điểm đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên sự lạc quan của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình giảm điểm sau gần 1 thập niên liên tục tăng. Cùng với đó, tỷ lệ người trả lời cho biết bị mất thu nhập và việc làm tăng 10% so với năm 2020.
Tỷ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch của các cấp chính quyền giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021. Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỷ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải hối lộ/chi trả chi phí không chính thức để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ.
Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu. Điểm chỉ số nội dung Trách nhiệm giải trình với người dân năm 2021 cũng giảm mạnh so với năm 2019 và 2020.
Theo Nhóm nghiên cứu PAPI 2021, nguyên nhân sụt giảm có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021.
Đáng chú ý, tỷ lệ người dân truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như Internet cấp tỉnh ở mức rất thấp so với hạ tầng đã được đầu tư, dường như không có sự khác biệt so với các năm trước. Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS. Đặng Hoàng Giang nhận xét, có thể là do thông tin không có chất lượng, hoặc người dân không được đào tạo, hướng dẫn hay khuyến khích sử dụng dịch vụ công.
So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, Trách nhiệm giải trình với người dân và Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở TP.HCM. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, có thể còn xuất phát từ những hạn chế nội tại của địa phương.
Do đó, theo bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chính quyền các cấp nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế đã được PAPI 2021 chỉ ra để chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai.