Ảnh Internet |
Quốc hội vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%. Theo ông, cần làm gì để đạt mức tăng trưởng này?
GDP của Việt Nam năm nay dự kiến cán mức tăng trưởng 6,3 - 6,5%. Chỉ còn 2 tháng nữa, Chính phủ đang điều hành các chính sách sao cho đạt được mức cao nhất. Sang đến năm 2017, chúng ta phấn đấu để đạt mức 6,7%. Đây là mức tương đối cao. Nhưng chúng ta cũng phải thấy Chính phủ đang điều hành các chính sách để làm sao khơi thông và phân bổ các nguồn lực có hiệu quả hơn.
Những nỗ lực của Chính phủ đã có những tác động ban đầu, thông qua các nghị quyết của Chính phủ, tạo lập môi trường kinh doanh thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tôi cho rằng, để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội vừa thông qua, nhất là GDP tăng 6,7% thì cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2, trong đó tập trung tái cơ cấu nợ công, doanh nghiệp nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại.
Khi xử lý được những vấn đề cốt lõi như là nợ công, nợ xấu, cùng với đó tạo ra 1 môi trường khởi nghiệp, những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy được lợi thế thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là khả thi.
Tổng cầu của thị trường thế giới có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh tế thế giới sang năm 2017 sẽ còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Năm nay đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn như Brexit, bầu cử Mỹ… Các chính sách của ông Trump cần thời gian để chứng minh xem những điều cam kết có được hiện thực hoá hay không. Tự do hoá thương mại trong quan điểm của ông Trump (khác các đời tiền nhiệm) là những yếu tố mà chúng ta cần phải tính toán, tiên liệu và cân nhắc khi điều hành kinh tế Việt Nam.
Việc năm 2017 chúng ta tính toán tăng trưởng xuất khẩu tuy có thấp hơn so với mục tiêu 10% của 2016 nhưng là mức hợp lý và đây vẫn có thể được xem như mức tăng cao so với tình hình chung của thế giới. Mô hình tăng trưởng của chúng ta ngày nay không chỉ dựa vào xuất khẩu. Điều quan trọng là làm sao khơi thông được nền sản xuất, đặc biệt là cầu nội địa, đó cũng là mô hình mà các nền kinh tế mới nổi hay là như Trung Quốc, chúng ta đã thấy ngày nay họ đang chuyển dịch mô hình tăng trưởng dựa vào cầu nội địa rất lớn.
Năm nay lạm phát tăng cao hơn 2015 cùng với tình hình tăng trưởng tín dụng, tiền tệ như hiện nay thì liệu áp lực để lại năm sau sẽ như thế nào, thưa ông?
Năm nay lạm phát dự kiến là 4,5%. Chúng ta có thể kiểm soát được như chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên chúng ta phải thấy là do Chính phủ đã thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công trong y tế, giáo dục. Năm nay mà 4,5% trừ đi 3% đóng góp của những lĩnh vực này thì lạm phát thực chỉ nằm ở 1,5%.
Năm nay chúng ta đã nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Tôi thấy nới lỏng như vậy phù hợp, chấp nhận được và không tác động nhiều đến lạm phát. Có 1 chỉ số mang tính chất cơ bản hơn là lạm phát cơ bản, theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là 1,85%. Như vậy, các điều kiện để duy trì kiểm soát ở mức 5% là điều có thể làm được.
Chúng ta hay đề cập mức tăng trưởng về tín dụng, nó liên quan đến cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước. Cung tiền như thế trong những điều kiện cụ thể của Việt Nam thì không tác động nhiều đến lạm phát.
Lạm phát của chúng ta không phải do chi phí đẩy, hay sức cầu kéo lên, lạm phát của chúng ta chủ động theo nghĩa là Chính phủ điều chỉnh các mặt hàng mà bấy lâu nay đang có sự trợ giá, bao cấp. Ví dụ như giá dịch vụ công trong y tế, giáo dục...
Tôi nghĩ rằng lạm phát cơ bản đối với Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập mỗi năm xấp xỉ 2% cho đến 3% là mức tương đối hợp lý.