Mục tiêu kinh tế 2019: Tự tin bứt phá

(BĐT) - Với kết quả thành công của năm 2018, nhiều mục tiêu kinh tế của năm 2019 được đặt ra ở mức cao hơn trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược.
Cải thiện thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh sẽ giúp nâng cao năng lực nội tại của khu vực kinh tế trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Cải thiện thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh sẽ giúp nâng cao năng lực nội tại của khu vực kinh tế trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Đây là thông điệp rõ nét tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày đầu năm mới.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, "kỷ cương, liêm chính, hành động" tiếp tục là phương châm hành động của năm 2019 và xuyên suốt cả nhiệm kỳ của Chính phủ.

Theo đó, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt yêu cầu về sự tăng tốc, sáng tạo, bứt phá, phát triển và hiệu quả. "Bứt phá tựu chung lại là các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương, Quốc hội giao như tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; về thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng chiến lược quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. “Để bứt phá cần một sự đột phá rất mạnh mẽ. Bứt phá còn là cả sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cả hệ thống chính trị chứ không riêng các cơ quan của Chính phủ".

Quan sát từ góc độ các chỉ tiêu kinh tế tại Nghị quyết 01, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng dưới 4% là khả thi với diễn biến thuận lợi trên thị trường dầu mỏ thế giới, giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong nước cũng được kiểm soát khá chặt chẽ. Trong khi đó, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2019 ở mức 6,8% là có phần thách thức bởi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các diễn biến kinh tế - chính trị thế giới.

Theo ông Độ, năm 2019, kinh tế thế giới sẽ chịu một số rủi ro, từ đó, có thể có tác động đến Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dù hai bên đang giữ vững thỏa thuận chung về việc “tạm đình chiến”, song nhiều ý kiến cho rằng, mâu thuẫn hiện nay có thể là giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với kinh tế thế giới, đặc biệt có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc, do đó, biến động về quan hệ thương mại giữa hai cường quốc này có thể gây ra tác động đáng kể.

Mặt khác, trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thế giới vừa có đợt giảm sâu cùng với quyết tâm giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), quan hệ giữa Mỹ với Ả- rập Saudi, Mỹ với Iran cũng có khả năng tác động đến giá dầu trên thị trường thế giới…

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đức Độ, tăng trưởng GDP sẽ là đầu tàu kéo theo việc hoàn thành các mục tiêu về thu - chi ngân sách nhà nước, nợ công, tín dụng… “Nhìn chung, Nghị quyết 01 năm nay đã đưa ra nhiều mục tiêu ở mức cao hơn năm trước và đòi hỏi quyết tâm thực thi của các cấp, ngành và cả cộng đồng doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, năm 2019 sẽ là năm bứt phá của cả nhiệm kỳ Chính phủ”, ông Độ nói.

Tương đồng quan điểm về khả năng hoàn thành các mục tiêu nói trên, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, các mục tiêu đều đặt ra cao hơn với dự thảo ban đầu, nhưng dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định trong 2 - 3 năm vừa qua, nên có thể thực thi được. “Tuy nhiên, để hoàn thành những chỉ tiêu này, đòi hỏi thực hiện tốt những trọng tâm chỉ đạo điều hành, đặc biệt là trọng tâm về việc nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế”, ông Long nói và phân tích thêm: “Năm 2018, dù nền kinh tế đã đạt nhiều kỳ tích song vẫn chưa thể hân hoan bởi tiềm năng của khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa được khơi thông nhiều. Do đó, nên chú trọng nâng cao năng lực nội tại từ chính thành phần kinh tế này. Muốn vậy, thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa”.