Những cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp khu vực doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thách thức phía trước là rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt, thận trọng, không lơ là, chủ quan trong điều hành.
Động lực tăng trưởng tương đối thuận lợi
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định, động lực tăng trưởng năm 2018 tương đối thuận lợi. Từ phía cầu, ông Thành chỉ ra 3 động lực lớn. Thứ nhất, xuất siêu tương đối lớn trong năm 2017, nếu được duy trì trong năm 2018 sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng. Thứ hai, thu hút đầu tư nước ngoài nếu không có đột biến về chính sách trong và ngoài nước thì có thể sẽ tiếp tục đổ vào nhiều hơn nhờ kết quả của nỗ lực cải cách kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Thứ ba là niềm tin của người tiêu dùng đang tốt lên, sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nội địa.
Còn từ phía cung, theo ông Thành, những cải cách của Chính phủ về môi trường kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính đang tạo ra quán tính thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tích cực nâng cao năng lực sản xuất, đóng góp nhiều hơn nữa vào GDP, vào xuất khẩu. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế thế giới tương đối thuận lợi, năm 2018 sẽ tiếp tục đà hồi phục hơn so với năm 2017.
Đối với doanh nghiệp - động lực quan trọng cho tăng trưởng, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, hiện doanh nghiệp đang có một số thuận lợi lớn để phát triển. Đó là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, Chính phủ kiến tạo hành động quyết liệt trong xây dựng thể chế và giảm bớt thủ tục hành chính, thuế, phí. Thủ tướng cũng đang rất quyết liệt tháo gỡ những cản trở trong tiếp cận vốn, đất đai đối với doanh nghiệp. Thị trường còn nhiều dư địa, luồng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài vào cũng là những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước.
“Nếu nói tăng trưởng năm nay cao hơn 6,7% thì cũng phải cẩn thận, nhưng lấy 6,7% là có khả năng thành hiện thực, tất nhiên là phải giải quyết rất nhiều khó khăn”, ông Lưu Bích Hồ nhận định.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cách thức tăng trưởng và đà đó sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay. Đang thấy rất rõ sự chuyển động trong Chính phủ, trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương và nếu sự chuyển động ấy quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn thì hoàn toàn có thể hy vọng tăng trưởng năm nay và các năm sau không chỉ là 6,7%.
Giải pháp là thực hiện quyết liệt những giải pháp đã đề ra
Các chuyên gia tuy dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2018, nhưng cũng chỉ ra rất nhiều thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, ngân sách mất cân đối, nguồn thu khó khăn, nợ công có thể tăng lên, cản trở đầu tư của Nhà nước vào kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi lớn, đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế... sẽ là hạn chế cho chất lượng tăng trưởng. Hệ thống quản trị của chính quyền trung ương và địa phương vẫn còn hạn chế, như hạt cát rơi vào trong cỗ máy, lâu ngày tích tụ làm bộ máy kinh tế chạy chậm. Ông Thành cũng lưu ý, thị trường bất động sản, chứng khoán nếu tăng trưởng quá nóng, dẫn đến bong bóng thì có thể rủi ro cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, rủi ro thiên tai có thể tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, khu vực doanh nghiệp trong nước còn nhỏ bé, nợ xấu làm ngân hàng không thể thoải mái giảm lãi suất, các chính sách của Chính phủ không phải có thể đi ngay vào cuộc sống…
Giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, theo nhiều chuyên gia, là “đã có hết rồi”, vấn đề của năm nay là thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được đề ra.
Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, điều mà Chính phủ có thể làm tốt nhất là cải cách chính mình. Dù Chính phủ đã tự hoàn thiện, nâng cấp, nhưng việc này phải tiếp tục mạnh mẽ hơn, cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, nhất là địa phương. Cải cách bộ máy hành chính khó nhưng phải có hướng, phải quyết liệt, vì bộ máy quản lý nếu không tốt sẽ cản trở từng ngày, từng giờ đối với doanh nghiệp, làm doanh nghiệp càng ngày càng nhỏ bé, còi cọc.
Cũng nhấn mạnh phải cải cách bộ máy và đánh giá việc này còn khó khăn hơn nhiều so với chống tham nhũng, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, năm nay là năm hành động, nói đến đâu làm đến đó để bộ máy có những chuyển động cụ thể. Theo ông Lưu Bích Hồ, mọi chính sách đều đưa ra hết rồi, vấn đề là phải đưa chính sách vào cuộc sống, nói được làm được. Về phía doanh nghiệp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng tự vận động của doanh nghiệp, từ người đứng đầu, bộ máy quản trị đến người lao động. “Tất cả phải tự cải cách chính mình”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Hai chữ đầu trong phương châm hành động của Chính phủ năm nay là “kỷ cương” cũng thể hiện rất rõ quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực hoàn thiện chính mình, siết chặt việc thực thi chính sách để toàn hệ thống cùng chuyển động.