Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/2 - Ảnh: Reuters. |
Trong một bài phát biểu từ Nhà Trắng, ông Biden nói lệnh trừng phạt mới sẽ hạn chế khả năng của Nga trong việc giao dịch bằng các đồng tiền chủ chốt, đồng thời nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ chưa áp lệnh trừng phạt trực tiếp lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT hay nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga – những biện pháp được xem là khắc nghiệt nhất, có thể gây ra tổn thất rất lớn đối với Nga và cả thế giới.
Hãng tin Reuters nhận định ông Biden đang ở vào thế khó khi Mỹ và các đồng minh không thống nhất được việc nên cứng rắn tới mức nào với Nga. Nhiều nhân vật của Đảng Cộng hoà cũng cho rằng lẽ ra ông cần mạnh tay hơn trong việc trừng phạt Nga.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói Mỹ sẽ tuyệt giao với Nga nếu Moscow tiếp tục cuộc tấn công nhằm vào Ukraine, đồng thời cho biết Washington đang tiếp tục vạch ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Cũng theo ông Biden, các biện pháp trừng phạt được thiết kế nhằm gây ảnh hưởng lâu dài đối với Nga và giảm thiểu ảnh hưởng đến Mỹ và các nước đồng minh.
Các biện pháp này bao gồm trừng phạt 5 ngân hàng lớn của Nga, trong đó có 2 nhà băng quốc doanh Sberbank và VTB. Nhiều nhân vật của giới tinh hoa Nga cùng người thân của họ cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Sberbank – ngân hàng lớn nhất Nga – sẽ không thể thực hiện các lệnh chuyển tiền với ngân hàng của Mỹ.
Ông Biden nói rằng sự trừng phạt mới sẽ hạn chế khả năng của Nga trong việc giao dịch bằng các đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật. Lệnh trừng phạt mới cũng bao gồm hạn chế xuất khẩu nhằm khiến Nga khó tiếp cận với hàng loạt sản phẩm từ hàng điện tử và máy tính cho tới linh kiện bán dẫn và linh kiện máy bay.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết mỗi ngày, các định chế tài chính Nga thực hiện khoảng 46 tỷ USD giao dịch ngoại hối quốc tế, trong đó 80% bằng USD. “Phần lớn giao dịch đó sẽ bị cắt đứt từ giờ trở đi”, Bộ Tài chính Mỹ nói trong một tuyên bố.
Về phần mình, ông Putin ngày 24/2 nói rằng “Nga vẫn là một phần của nền kinh tế thế giới. Chúng tôi sẽ không gây hại cho hệ thống kinh tế thế giới, chúng tôi là một phần của kinh tế thế giới chừng nào còn như vậy”.
Cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine đánh dấu lần đầu tiên một nước châu Âu tấn công một nước châu Âu khác kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông Biden nói đây là “một thời khắc nguy hiểm đối với toàn thể châu Âu” và ông đã ra lệnh triển khai thêm lực lượng tới Đức. Tuy nhiên, ông từ chối nói liệu Mỹ có kêu gọi Trung Quốc cùng phương Tây cô lập Nga hay không.
Ông Biden khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân tới Ukraine. “Lực lượng của Mỹ sẽ không dính líu đến xung đột với Nga ở Ukraine. Lực lượng của chúng ta sẽ không tới châu Âu để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ đồng minh NATO”, ông Biden nói. “Mỹ sẽ bảo vệ từng inch lãnh thổ NATO bằng tất cả sức mạnh Mỹ”.
Vào hôm thứ Tư, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên công ty chịu trách nhiệm xây dựng Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức. Trước đó, vào hôm thứ Ba, Mỹ đã đưa ra lênh trừng phạt nhằm vào hai ngân hàng lớn của Nga, trái phiếu chính phủ Nga, và một số nhân vật cấp cao của Nga. Đức cũng đã tạm dừng quy trình phê chuẩn Nord Stream 2.
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine xảy ra đúng vào lúc ông Biden đối mặt nhiều thách thức trong nước, bao gồm tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ông giảm xuống mức thấp, lạm phát tăng mạnh và có thể còn cao hơn do căng thẳng địa chính trị, chưa kể cuộc bầu cửa giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay có thể khiến Đảng Dân chủ của ông mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay phe Cộng hoà.
Nhà Trắng đã cảnh báo người dân Mỹ rằng xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn tới giá xăng dầu cao hơn ở Mỹ, nhưng Chính phủ Mỹ sẽ cố gắng triển khai các biện pháp để giảm bớt ảnh hưởng. Giới thạo tin cho biết giới chức Mỹ đang bàn việc xả dự trữ dầu lửa chiến lược.
Ngoài ra, ông Biden cũng cảnh báo các công ty dầu khí không lợi dụng giai đoạn này để tăng giá.