Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế - ảnh Thành Chung |
Năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19, trong đó dệt may là một trong những ngành thâm dụng lao động nhất nên tác động tiêu cực của dịch bệnh càng nặng nề hơn. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, ngành dệt may đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, không những trụ vững mà còn đạt được những kết quả phát triển hết sức ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40,4 tỷ USD.
Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã giữ vững và phát huy được vai trò đầu tàu, hạt nhân, đạt kết quả tốt nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, thậm chí có bước phát triển nhảy vọt khi lợi nhuận năm 2021 ước trên 1.440 tỷ đồng (gấp 2,5 lần năm 2020), đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn gần 29% và vượt 90% kết quả của năm 2019 - là năm có kết quả hoạt động tốt nhất trước đại dịch. Năm 2021, Tập đoàn còn tận dụng được cơ hội trong điều kiện đại dịch để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số thành công bước đầu; tận dụng được cơ hội của thị trường xuất khẩu khi có dịch chuyển chuỗi cung ứng sau dịch bệnh, đáp ứng được các yêu cầu mới của chuỗi toàn cầu do dịch bệnh gây ra.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, ngành dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam “đã làm nên những điều kỳ diệu. Càng trong khó khăn, thử thách thì càng có sức bật mạnh mẽ. Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt”.
Trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cần tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm hay, bài học đắt giá từ thực tiễn 2 năm vừa qua; đồng thời chủ động thích ứng với sự thay đổi của dòng vốn đầu tư toàn cầu và chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; nắm bắt các cơ hội, các xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng quốc gia cũng như mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Tập đoàn cũng cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ cả về thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, quản trị sản xuất, nhân sự và tài chính, đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiên phong trong mô hình công nghệ mới, xây dựng mô hình doanh nghiệp sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Cùng với thị trường xuất khẩu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam phải chú trọng hơn nữa thị trường nội địa, với quy mô 100 triệu dân, đang có nhu cầu rất lớn cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm may mặc, thời trang. Tập đoàn cần chú trọng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước, có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo tiếp cận được sản phẩm.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế. Dệt may Việt Nam không thể cứ gia công mãi mà phải phát triển ngành công nghiệp thời trang. Hiện nay, Tập đoàn đã có những điều chỉnh về chiến lược phát triển trong giai đoạn tới. Việc điều chỉnh này phải hướng đến mục tiêu từng bước vươn lên các thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu của ngành dệt may toàn cầu, quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam.