Năm 2024: Nhiều chiến lược, chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể đi vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024 là năm đầu triển khai thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2023. Nhiều chính sách mới cũng như thực tế triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về phát triển kinh tế tập thể đã đi vào cuộc sống, góp phần giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững.
Ảnh internet
Ảnh internet

Đưa các chính sách phát triển kinh tế tập thể vào cuộc sống

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, ngay sau khi Luật HTX năm 2023 được ban hành vào tháng 6/2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được Bộ phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức, thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Năm 2024, nhiều cơ chế, chính sách mới phát triển kinh tế tập thể được ban hành và có hiệu lực như: Nghị định số 92/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 về đăng ký tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật HTX; Thông tư số 09/2024/TT-BKHĐT ngày 16/5/2024 ban hành biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và quy định về nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về HTX. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 71/2024/TT-BTC ngày 7/10/2024 về hướng dẫn chế độ kế toán HTX, liên hiệp HTX...

Triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai các nội dung của Chương trình.

Tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2/2023, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các chủ Chương trình mục tiêu quốc gia và các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có 2 dự án sử dụng vốn ngành hỗ trợ HTX theo Luật HTX với tổng số vốn trung hạn được giao là 734,5 tỷ đồng; bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ HTX với tổng số vốn là 550 tỷ đồng.

Từ năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT đã phối hợp bố trí vốn sự nghiệp để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ KH&ĐT, đối với Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025, hiện các địa phương cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 (phê duyệt danh sách HTX tham gia Đề án). Tuy nhiên, có một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu không lựa chọn được HTX tham gia Đề án do không có HTX có các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Nhìn chung, các HTX tham gia Đề án nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện để trở thành mô hình điểm, làm cơ sở để nhân rộng. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương và HTX còn lúng túng trong triển khai giai đoạn 2 của Đề án (phê duyệt Quyết định về kế hoạch hoàn thiện các mô hình HTX được lựa chọn; hoặc phê duyệt nhưng chưa có nguồn kinh phí để triển khai hỗ trợ...).

Đối với Đề án Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021 - 2025, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung Đề án như: tổ chức Diễn đàn HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ; tổng hợp danh sách các HTX nông nghiệp để hỗ trợ tham gia Đề án; thực hiện tuyên truyền, đào tạo bồi dưỡng về kiến thức xây dựng phương án kinh doanh, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với Đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác triển khai, thực hiện Đề án. Đồng thời, Trung ương Hội cũng chỉ đạo các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung của Đề án, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành tại địa phương trong triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương.

Đối với Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến đến toàn thể cán bộ cơ quan Trung ương Hội và Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố; tổ chức ký chương trình phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam về việc tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2024 - 2030.

Tăng cường liên kết, sản xuất theo chuỗi trong HTX

Bộ KH&ĐT đánh giá, năm 2024, nhờ tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, các giải pháp bình ổn nguyên nhiên liệu đầu vào của Chính phủ và hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước, sự phục hồi của nhu cầu quốc tế đã hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, đặc biệt các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh cả về chất và lượng. Mặc dù có nhiều khó khăn do thiếu vốn, biến động thị trường, thiên tai nhưng nhìn chung khu vực kinh tế tập thể tiếp tục phát triển. Theo thống kê sơ bộ, ước đến hết năm 2024, cả nước có 33.335 HTX (tăng 4,74% so với năm 2023), 152 liên hiệp HTX (tăng 11% so với năm 2023). Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3.551 triệu đồng/HTX/năm (tăng 0,42% so với năm 2023); lãi bình quân một HTX năm 2024 đạt 352 triệu đồng/HTX/năm (tăng 8,64% so với năm 2023); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 59 triệu đồng/người/năm, ngang bằng với năm 2023. Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 127,4 nghìn người, tăng 1,13% so với năm 2023. Trong đó, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm hơn 46,6% trong tổng số với hơn 59,4 nghìn người, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học hơn 31,47 nghìn người (tương đương 24,7% trong tổng số cán bộ quản lý HTX).

Trong cả nước, đã xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả, được các ngành, các cấp lựa chọn, hỗ trợ trở thành mô hình điểm để nhân rộng như các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ, HTX của người đồng bào dân tộc thiểu số, của người khuyết tật; các mô hình HTX liên kết với tổ chức kinh tế khác như doanh nghiệp, hộ gia đình… tạo thành các chuỗi giá trị.

Đặc biệt, năm 2024, kinh tế tập thể, HTX đã hỗ trợ phát triển kinh tế hộ theo hướng thúc đẩy liên kết theo chuỗi, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ và phù hợp với đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Các HTX đã tổ chức áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến; tổ chức sản xuất hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng, có tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Một số mô hình HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hoạt động hiệu quả rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố như: HTX thủy sản Đồng Tiến, HTX Toàn Thắng Bạc Liêu; HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, Bắc Giang; HTX DVNN tổng hợp Xuân Mai, Bắc Ninh; HTX chè Thịnh An, HTX chè Hảo Đạt, Thái nguyên; HTX nông nghiệp công nghệ cao Bình Quý, Tiền Giang; HTX nông nghiệp hữu cơ Long Hiệp, Trà Vinh... Đã có khoảng 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5 - 7%. Nhiều HTX đã chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển; huy động nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng với bối cảnh, xu hướng phát triển mới; tích cực học hỏi kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số thành công, hiệu quả. Cả nước có khoảng 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.

Tin cùng chuyên mục