Chính phủ dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) |
Phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2024
Sáng ngày 09/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó nổi bật là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, các chỉ tiêu về xã hội và chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đã đạt sau 3 năm không đạt. Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700 - 4.730 USD) do biến động tỷ giá. Tuy nhiên, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người là khoảng 112 triệu đồng; ước thực hiện năm 2024 là khoảng 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra. Trong những tháng cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực, ưu tiên đẩy mạnh tăng trưởng để phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt và vượt 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Về kế hoạch năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%); GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...
Trên cơ sở mục tiêu, Chính phủ xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế số,… Tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số;.. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam… Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa; thúc đẩy phát triển liên kết vùng; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu;…
Trong năm 2025, hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư đối với tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh minh họa |
Thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra; khu vực kinh tế đối ngoại ghi nhận kết quả tích cực, trong đó, xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác. Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội,…
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế chỉ ra tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức. Thị trường động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia…
Về dự kiến Kế hoạch 2025, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ. UBKT nhấn mạnh, năm 2025 cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá. Có giải pháp đặc biệt để khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp ở các địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện hiện quả 3 đột phá chiến lược
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các bộ, ngành về một số vấn đề như: ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa đảm bảo yêu cầu về tiến độ; thị trường tài chính, ngân hàng tiếp tục có một số biến động; thị trường bất động sản còn nhiều bất cập; thị trường lao động còn có hiện tượng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ và phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành, nghề kinh tế; tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới; vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước; đảm bảo nguồn cung và ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu; quan tâm chỉ đạo quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia...