Nắm bắt xu thế để thích ứng, phát triển

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dẫn câu nói của CEO Nokia: “Chúng tôi không có gì sai nhưng chúng tôi đã thất bại”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện, nắm bắt xu thế, tận dụng lợi thế để thích ứng, phát triển. Doanh nghiệp sẽ cần tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại trong một thế giới nhiều đổi thay.

Để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn giải quyết vấn đề lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn giải quyết vấn đề lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Tại Tọa đàm “5 năm tới - cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, những xu hướng lớn của thế giới diễn ra trong 10 - 15 năm qua có thể bị thay đổi hoặc tích cực hoặc tiêu cực do tác động của Covid-19. Trước khi Covid-19 xảy ra, đã có những xu hướng lớn nổi lên như: tranh giành vị thế, ảnh hưởng giữa các nước lớn, căng thẳng Mỹ - Trung; xu thế toàn cầu hóa và hội nhập; cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số; đô thị hóa và cách mạng tiêu dùng xanh, an toàn, nhân văn, phát triển bền vững… Covid-19 làm phức tạp hơn một số xu thế như hội nhập, toàn cầu hóa xung đột với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Có những xu thế lại được thúc đẩy chiều cạnh tích cực rất mạnh như chuyển đổi số, lối sống xanh, an toàn…

Đối với Việt Nam còn có tác động từ các hiệp định đã ký kết. Ông Võ Trí Thành cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có tác động lớn nhất, tiếp đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là ít nhất dù quy mô lớn nhất vì Việt Nam đã có hiệp định với một số nước thành viên.

Với những xu thế này, lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt có thể lựa chọn rất nhiều, đó là xuất nhập khẩu, những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản; sản phẩm, dịch vụ phục vụ người tiêu dùng; công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị như logistics; lĩnh vực kết cấu hạ tầng, bất động sản, công nghiệp tiện ích; những ngành, lĩnh vực mới nổi như tăng trưởng xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế số…

Bà Đinh Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế (VBLC) lưu ý, bên cạnh lợi ích, những hiệp định vừa ký cũng tăng thêm sức ép cho doanh nghiệp và Chính phủ. Các hiệp định thế hệ mới đặt ra tiêu chuẩn cao hơn về bảo vệ môi trường, điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội. Các nước cũng sẽ tăng cường biện pháp phi thuế quan khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo hộ hàng hóa trong nước; quy tắc xuất xứ sẽ phức tạp hơn, có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; sức ép cạnh tranh sẽ vô cùng lớn…

Theo bà Tuyết, các doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược dài hạn giải quyết các vấn đề về lao động, môi trường, có chiến lược sẵn sàng để tuân thủ về trách nhiệm xã hội nếu không muốn bị áp biện pháp trừng phạt của các nước nhập khẩu. Doanh nghiệp ngoài tối ưu hóa hiệu quả, tối thiểu hóa chi phí, còn cần thực hiện trách nhiệm xã hội, coi đây như một thành tố trọng yếu trong xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, cập nhật thông tin về các chính sách, thay đổi luật pháp tại nước nhập khẩu; luôn duy trì hồ sơ chi tiết về truy xuất nguồn gốc, hồ sơ kế toán, hồ sơ sản xuất để sẵn sàng đối phó với các vụ kiện, vụ điều tra hay chính sách mới…

Bên cạnh đó, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, yếu tố bất định và rủi ro sẽ nhiều hơn, lớn hơn, khó lường hơn, từ dịch bệnh, xung đột giữa các quốc gia, đến “quả bom nợ” của thế giới. Ông Thành cho rằng, quả bom nợ lần này lớn nhất từ trước đến nay do chính sách tiền tệ, các gói cứu trợ khổng lồ mà nhiều nước đã áp dụng. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp làm bất kỳ việc gì cũng cần đặc biệt chú trọng đến quản trị rủi ro. Theo đó, xác định rõ cách ứng phó với rủi ro ngay từ đầu, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá/tỷ giá như công cụ phái sinh; tận dụng bảo hiểm; hiểu biết cơ chế, quy trình xử lý tranh chấp...

Tin cùng chuyên mục