Gia tăng hài lòng của người dân về chất lượng công vụ, phục vụ là một thách thức lớn của TP.HCM. Ảnh: Quang Tuấn |
Bức xúc thủ tục nhà đất
Trao đổi xoay quanh vấn đề cải thiện chỉ số PAPI của TP.HCM, TS. Trần Du Lịch cho biết, thời gian qua, TP.HCM có nhiều điều tra khảo sát độ hài lòng của người dân về chất lượng công vụ, phục vụ. Tuy nhiên, để Thành phố trở nên “sống tốt” thì việc cải thiện chỉ số PAPI vẫn là một thách thức lớn. Nhất là khi mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) có cho biết, trong nghiên cứu năm 2015 của UNDP về “Chỉ số PAPI - Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” thì riêng ở khâu làm giấy tờ nhà đất của người dân ở TP.HCM đã phải “lót tay” 14,5 triệu đồng. Theo UNDP, hơn 28% số người được khảo sát ở TP.HCM cho biết, phải trả phí “bôi trơn” khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Ngoài việc phải “lót tay”, phản ánh của dư luận mới đây còn cho thấy nhiều văn phòng đăng ký đất đai ở một số quận huyện của TP.HCM không công khai, minh bạch trong quy trình tiếp nhận hồ sơ. Cán bộ thụ lý yêu cầu bổ sung giấy tờ nhiều lần trong quá trình giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ khiến người dân bức xúc, phải đi lại nhiều lần tốn kém thời gian và tiền bạc. Trong động thái mới nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM tổ chức kiểm tra, làm rõ và xử nghiêm tổ chức, cán bộ vi phạm.
Định lượng bộ máy hành chính
Cần nhắc lại, năm ngoái, chỉ số PAPI của TP.HCM có tới 2 nội dung có điểm dưới mức trung bình là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (đạt 4,27/10 điểm) và “Trách nhiệm giải trình với người dân” (đạt 4,97/10 điểm); 2 nội dung chỉ trên mức trung bình là “Công khai, minh bạch” (đạt 5,41/10 điểm) và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (đạt 5,14/10 điểm).
Không chỉ với vấn đề đất đai, kết quả chỉ số PAPI năm 2015 được UNDP công bố vừa qua cho thấy, với việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thì TP.HCM nằm trong 15 tỉnh, thành giảm điểm đáng kể (giảm ít nhất là 15%, tỷ lệ thay đổi khi so sánh kết quả năm 2015 với năm 2011).
TS. Trần Du Lịch khuyến nghị, để cải thiện chỉ số PAPI, TP.HCM cần tiếp tục triển khai tốt bộ tiêu chí đã đề ra của một thành phố văn minh, hiện đại có liên quan đến chất lượng sống, chất lượng đô thị, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Tất cả đều phải được định lượng, kể cả vấn đề bộ máy hành chính, chất lượng công vụ, nhà ở, tỷ lệ cây xanh, môi trường... đều có quy định cụ thể trong bộ tiêu chí.
Ông Lịch lưu ý, trong vấn đề này, trách nhiệm của bộ máy hành chính cần phải đặt lên hàng đầu. Điều cần thiết là tất cả các khâu đã quy định thì phải làm cho được. Đơn cử như khai thuế, thông quan theo tiêu chuẩn ASEAN - 4 là phải đánh giá xem có đúng không và lần này phải để doanh nghiệp họ, đánh giá bằng tiêu chuẩn của họ, chứ không phải bộ máy báo cáo.