Nan giải gỡ khó ngành hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ cạn kiệt dòng tiền vào tháng 8 tới nếu không được bơm vốn, một số ý kiến cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines là cần thiết, song cần công bằng giữa doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước và DN tư nhân.
Khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không vẫn rất lớn do toàn bộ đường bay quốc tế đang bị đóng băng. Ảnh: Lê Tiên
Khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không vẫn rất lớn do toàn bộ đường bay quốc tế đang bị đóng băng. Ảnh: Lê Tiên

Có nên hỗ trợ Vietnam Airlines?

Vietnam Airlines là một trong những DN có vốn nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Chỉ tính 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Hãng ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, lỗ gần 20.000 tỷ đồng. Mặc dù đã cắt giảm mọi chi phí có thể, Hãng vẫn lỗ khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

Tại một hội thảo về ngành hàng không diễn ra mới đây, đại diện Vietnam Airlines cho biết, dự báo trong năm 2020, Hãng sẽ thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, với tư cách là chủ sở hữu chiếm 86% cổ phần, cho Hãng vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng, tối đa 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi mức thấp nhất, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ. “Vietnam Airlines không xin bơm tiền nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng”, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines khẳng định.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa dự báo, 50% các hãng hàng không trên thế giới có thể phá sản trong 2 - 3 tháng nữa nếu chính phủ các nước không can thiệp. Hiện nay, 2 nước trong khu vực châu Á đã "giải cứu" cho ngành hàng không là Nhật Bản với 89 tỷ USD và Singapore với 11 tỷ USD. Trong khi đó, Chính phủ Malaysia cũng đang cân nhắc hỗ trợ hơn 350 triệu USD cho các hãng hàng không lớn gặp khó khăn về tiền mặt, bao gồm AirAsia, Malaysia Airlines và Malindo Airways. Nhiều quốc gia khác như Đức, Pháp, Hà Lan và Mỹ đều có kế hoạch hỗ trợ các hãng hàng không đối phó với lượng khách sụt giảm kéo dài.

Việc Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines tuy rằng sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng là điều cần thiết, bởi cứu DN chẳng qua cũng là để cứu cả nền kinh tế.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, không chỉ Vietnam Airlines, mà Vietjet Air hay Bamboo Airways cũng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Vietnam Airlines có thể đang chịu ảnh hưởng nặng hơn vì chỉ kinh doanh duy nhất dịch vụ vận chuyển hàng không, còn Vietjet Air hay Bamboo Airways là những đơn vị kinh doanh đa ngành. Một số ngành khác của các DN này có thể chịu tác động ít hơn, cho nên sức chống chịu có lẽ tốt hơn. “DN có sự tích lũy đóng góp trong nhiều năm, nên Nhà nước chắc chắn sẽ có những chính sách phù hợp, giúp DN chống chọi qua đại dịch”, ông Cung khẳng định. 

Cần công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 5/2020, 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và Vasco đã thực hiện 8.623 chuyến bay. Số chuyến bay tuy giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019, song theo cập nhật đến thời điểm cuối tháng 5/2020, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã khôi phục gần như hoàn toàn số chuyến bay nội địa.

Khó khăn đối với các DN hàng không vẫn rất lớn do toàn bộ đường bay quốc tế đang bị đóng băng, chưa thể xác định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình Covid-19 tại các điểm đến rất phức tạp.

Ông Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho biết: “Các hãng hàng không Việt Nam vẫn phải “gồng gánh” từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì hoạt động như tiền thuê, mua máy bay, tiền thuê sân đỗ, lãi suất ngân hàng... Các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Do đó, các hãng hàng không cần được hỗ trợ để có đủ nguồn lực cho việc phục hồi và phát triển sau đại dịch”.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình khi cho rằng, chính sách hỗ trợ cần dựa trên nguyên tắc công bằng giữa DN nhà nước và tư nhân. Bởi vốn dĩ, DN nhà nước như Vietnam Airlines đã có nhiều lợi thế hơn DN tư nhân như sở hữu thương hiệu quốc gia được xây dựng từ lâu đời, có nhiều DN hậu thuẫn phía sau như công ty kinh doanh dịch vụ, vận tải sân bay. Nếu cho Vietnam Airlines vay 12.000 tỷ đồng nghĩa là DN sẽ có thêm nguồn lực để chi trả các chi phí khác, hoặc cũng có thể dùng vào mục đích giảm giá vé, cạnh tranh với các hãng hàng không khác…

“Vietnam Airlines giữ thị phần chủ yếu về hàng không quốc tế của nước ta, mà phần hàng không quốc tế này phục hồi chậm, trong khi hàng không nội địa lại phục hồi nhanh. Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam theo tỷ lệ thị phần hàng không quốc tế của nước ta mà hoạt động có lãi trong những năm qua”, ông Tống nói.

Tin cùng chuyên mục