Nan giải nạn “đi đêm” xác nhận tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Báo Đấu thầu nhận được nhiều phản ánh về tình trạng hồ sơ dự thầu có thông số kỹ thuật “đẹp long lanh”, nhưng chất lượng thực tế lại khác xa bản chào. Nguyên nhân chính là do nhà sản xuất bắt tay với nhà thầu giúp cho hàng hóa của mình trúng thầu. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có các giải pháp, trong đó, cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phân nhóm chất lượng thiết bị y tế.
Để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế chất lượng bảo đảm, cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phân nhóm chất lượng thiết bị y tế. Ảnh: Nhã Chi
Để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế chất lượng bảo đảm, cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phân nhóm chất lượng thiết bị y tế. Ảnh: Nhã Chi

Tại gói thầu mua sắm thiết bị cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của một bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội, 2 nhà thầu tham dự (nhà thầu A và nhà thầu B - PV) đều chào một mặt hàng: “máy giặt công nghiệp, Model: DLS-60 TOUCH II E, nhãn hiệu Domus, hãng sản xuất Onnera Laundry Barcelona, S.A, xuất xứ Tây Ban Nha”. Tuy nhiên, nhà thầu A bị loại vì catalogue của nhà sản xuất có thông số điện tiêu thụ 36kW, không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu là “<= 32kW”, nhà thầu B được lựa chọn trúng thầu.

Sau đó, nhà thầu A kiến nghị Bên mời thầu đánh giá lại hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu và được cho biết, nhà thầu B đã cung cấp giấy xác nhận của nhà sản xuất, trong đó có ghi máy giặt công nghiệp của hãng có thông số công suất điện tiêu thụ “<= 32kW”.

“Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, bởi trước đó hãng đã cung cấp catalogue và khẳng định máy giặt công nghiệp DLS-60 TOUCH II E mang nhãn hiệu Domus chỉ có một thông số điện tiêu thụ là 36kW. Sự bất nhất này của nhà sản xuất khiến chúng tôi rơi vào tình huống trớ trêu”, nhà thầu A phân trần với Báo Đấu thầu.

Tại một gói thầu mua sắm thủy tinh thể tại Cần Thơ, một nhà thầu phản ánh, tài liệu kỹ thuật công khai trên website của nhà sản xuất thủy tinh thể nhân tạo mềm Cutting Edge S.A.S (Pháp) không thể hiện đặc tính kỹ thuật ngậm nước 26%, nhưng văn bản xác nhận của nhà sản xuất do nhà thầu cung cấp lại có đặc tính kỹ thuật này. Theo nhà thầu phản ánh, điều này thể hiện sự bất nhất, thiếu minh bạch thông tin của chính nhà sản xuất.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại một số bên mời thầu trong lĩnh vực y tế. Nhiều bệnh viện đã có văn bản phản ánh với Bộ Y tế, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.

Không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà trong lĩnh vực điện chiếu sáng, một số bên mời thầu từng bày tỏ lo ngại khi chia sẻ với Báo Đấu thầu về tình trạng một số nhà thầu thuyết minh thông số kỹ thuật chung chung kèm theo catalogue của nhà sản xuất trong nước với giải thích là: “Catalogue của nhà sản xuất chỉ mang tính chất tham khảo với các thông số kỹ thuật chung. Khi ký kết hợp đồng chính thức, nhà sản xuất sẽ điều chỉnh thông số kỹ thuật chi tiết theo bản vẽ thiết kế yêu cầu”.

Theo một số bên mời thầu, catalogue là tài liệu thể hiện thông tin, thông số kỹ thuật chi tiết về sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi nhà sản xuất mà nhà thầu đề xuất sử dụng cho gói thầu đang xét. Vì vậy, việc nhà thầu đưa ra catalogue chung chung, không có thông số kỹ thuật cụ thể, mang tính chất tham khảo là không hợp lý. Khi nhận được đề nghị làm rõ, thì nhà thầu lại cung cấp một bản catalogue khác “vừa như in” với thông số kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Trên Nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu từng chỉ ra thực trạng có nhiều sản phẩm vật tư y tế chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ. Có những hãng sản xuất sẵn sàng sửa lại catalogue “cho đẹp” để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia mua sắm trong ngành y tế cho biết, từ thực tế mua sắm qua đấu thầu và kết quả sử dụng hàng hóa trúng thầu vào hoạt động khám, chữa bệnh cho thấy, tình trạng nhà sản xuất móc ngoặc với nhà thầu để “làm đẹp” hồ sơ kỹ thuật khiến không ít bên mời thầu “bó tay”, rất khó để loại nhà thầu. Hiện cũng chưa có chế tài nào để ngăn chặn hiện tượng này.

Trước mắt, một số ý kiến cho rằng, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể tận dụng chức năng công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia về đánh giá chất lượng hàng hóa trúng thầu đã qua sử dụng với các thông tin cụ thể như tên hàng hóa, xuất xứ, hãng sản xuất, ký mã hiệu, nhãn mác, đặc tính kỹ thuật chủ yếu...

Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024), Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, thời hạn công khai thông tin về chất lượng hàng hóa đã được sử dụng là sau thời gian thực hiện gói thầu nhưng không muộn hơn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện gói thầu, hoặc sau khi nhà thầu hoàn thành nghĩa vụ bảo hành (nếu thời gian bảo hành dài hơn 6 tháng). Mặt khác, theo Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, nếu phát hiện nhà sản xuất có hành vi hạn chế cạnh tranh mà không có lý do chính đáng, thì nhà thầu, chủ đầu tư có thể đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để tổng hợp, theo dõi, từ đó mới có chế tài xử lý cụ thể.

Theo đánh giá của một số chuyên gia đấu thầu, nếu công cụ công khai thông tin về chất lượng hàng hóa trúng thầu đã qua sử dụng và thông tin chứng minh về các hành vi hạn chế cạnh tranh của nhà sản xuất được sử dụng triệt để thì sẽ góp phần loại bỏ được tình trạng bất nhất của nhà sản xuất như trên; đồng thời có thể sử dụng để làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, đưa vào công thức xác định giá đánh giá nhằm lựa chọn được hàng hóa bảo đảm chất lượng.

Tin cùng chuyên mục