Nan giải nợ đọng giữa các doanh nghiệp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản với Công ty CP Xây dựng Coteccons liên quan đến khoản công nợ khó đòi giữa hai bên kéo dài nhiều năm cho thấy tình trạng trầm trọng của vấn đề nợ đọng, vốn đã âm ỉ từ lâu giữa các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Thị trường xây dựng đang rơi vào tình trạng nợ vòng quanh. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường xây dựng đang rơi vào tình trạng nợ vòng quanh. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau

Nửa đầu năm 2023, Coteccons ghi nhận 6.748 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng khiến các khoản phải thu chưa trích lập dự phòng của doanh nghiệp này tăng thêm 912 tỷ đồng lên 13.196 tỷ đồng, chiếm khoảng 58,6% tổng tài sản. Trong đó có một số khoản phải thu lớn phát sinh với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (620,6 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (1.013 tỷ đồng).

Tính bình quân, cứ 100 đồng tài sản của Coteccons có 58,6 đồng là các khoản vốn đang bị chiếm dụng và có 6,9 đồng nợ phải thu/trả trước cho đối tác bị tính vào diện nợ xấu. Giá trị các khoản nợ xấu tính đến cuối quý II/2023 của Công ty ở mức 1.574 tỷ đồng, một số khoản lớn phát sinh từ Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (483,6 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Minh Việt (121,951 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, Coteccons cũng đang chiếm dụng một lượng lớn vốn từ các đối tác, thể hiện tại khoản mục phải trả người bán ngắn hạn (nhà cung cấp) ở mức 5.114 tỷ đồng và người mua trả tiền trước 2.929 tỷ đồng.

Đối với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, các khoản phải thu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này. Tính đến cuối quý II/2023, nợ phải thu ngắn hạn đã trích lập dự phòng ở mức 10.463 tỷ đồng, chiếm 71,2% tổng tài sản của doanh nghiệp. Báo cáo của Xây dựng Hòa Bình không cho thấy khoản nợ phải thu khó đòi nào. Nợ phải thu lớn khiến doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay, làm phát sinh gánh nặng chi phí tài chính. Ở chiều ngược lại, Xây dựng Hòa Bình đang chiếm dụng hơn 5.463 tỷ đồng từ các đối tác và khách hàng (thể hiện ở khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn).

Một doanh nghiệp xây dựng khác có các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là Tổng công ty CP Xây dựng số 1. Tính đến cuối quý II/2023, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp này là 6.707 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm gần 50% tổng tài sản. Với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, tỷ lệ này là 54%.

Nan giải xử lý nợ đọng

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, thị trường xây dựng đang rơi vào tình trạng nợ vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp vật liệu… Tình trạng này khiến cho toàn bộ thị trường như mớ bòng bong, chưa có lối ra.

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2023 vừa được Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC - doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thép - công bố, trích lập dự phòng nợ xấu của Công ty đã tăng thêm hơn 180 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận thêm nhiều khoản nợ khó đòi mới với Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (hơn 440,8 tỷ đồng, trích lập 71 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169,2 tỷ đồng, trích lập 22 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (131,5 tỷ đồng, trích lập 18,7 tỷ đồng), Công ty CP Hưng Thịnh INCONS (63 tỷ đồng, trích lập 22,6 tỷ đồng)… Việc trích lập nợ xấu khó đòi khiến Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận khoản lỗ 393,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay - khoản lỗ cao nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Tuấn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình 207 cho biết, có những công trình như Quốc lộ 4A Lạng Sơn, nhà thầu đã thi công bàn giao cho chủ đầu tư từ cuối năm 2016 và đưa vào sử dụng hết bảo hành 4 năm nhưng hiện vẫn chưa thu được khoản nợ 31 tỷ đồng. Việc này ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao.

Trước thực trạng trên, tại Hội thảo Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam vào tháng 5/2023, nhiều nhà thầu xây dựng đề nghị, chủ đầu tư cần phải mở bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu để cân bằng lợi ích, quyền lợi giữa hai bên.

Luật sư Lê Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam cho rằng, để giảm tình trạng nợ đọng, cần 2 giải pháp. Thứ nhất, cần thúc đẩy sự minh bạch trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thứ hai, tăng khả năng khởi kiện bảo vệ lợi ích nhà thầu. Để làm được điều này, có thể cấm áp dụng, hay có án lệ hoặc tối thiểu phải có giám đốc thẩm nêu rõ điều khoản thanh toán giáp lưng (nhà thầu chính chỉ có nghĩa vụ phải thanh toán cho nhà thầu phụ sau khi nhận được khoản tiền thanh toán từ chủ đầu tư) không được áp dụng, tạo điều kiện cho nhà thầu phụ ít nhất có cơ hội khởi kiện.

Tin cùng chuyên mục