Năng lực sáng tạo Việt, từ nguồn cội đến tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năng lực sáng tạo của người Việt để lại dấu ấn rõ nét trong lịch sử phát triển dân tộc, từ buổi sơ khai cho đến thời kỳ công nghiệp 4.0 hiện nay. Thời xa xưa nước ta - Bách Việt - phải chịu ách đô hộ nhiều năm, nhưng người Việt không bị đồng hóa, vẫn giữ được ngôn ngữ, văn hóa của mình. Người Việt 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông - thế lực từng xâm lược châu Âu và nhiều nước châu Á…
Chủ thể của sáng tạo là con người, nên đặc trưng quan trọng nhất để sáng tạo là phải có khát vọng làm một điều gì đó chưa ai từng làm. Ảnh: Lê Tiên
Chủ thể của sáng tạo là con người, nên đặc trưng quan trọng nhất để sáng tạo là phải có khát vọng làm một điều gì đó chưa ai từng làm. Ảnh: Lê Tiên

“Đó là bởi dân tộc chúng ta có những đặc tính rất đặc biệt, rất sáng tạo để ứng phó với hoàn cảnh và chiến thắng hoàn cảnh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào” - TS. Quách Nghiêm chia sẻ với Báo Đấu thầu.

TS. Quách Nghiêm

TS. Quách Nghiêm

Là người nhiều năm nghiên cứu về triết học của tự nhiên sống và tiềm năng con người, xin ông chia sẻ đánh giá của mình về năng lực sáng tạo của người Việt trong so sánh với tương quan quốc tế?

So với các nước cùng mức độ kinh tế - xã hội, Việt Nam có sự phát triển tốt hơn về công nghệ thông tin, học sinh Việt Nam có trí thông minh và chỉ số PISA về học thuật ngang với các nước phát triển và thực tế, rất nhiều công ty đa quốc gia đã chọn Việt Nam để đầu tư, xây dựng nhà máy nhằm tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực Việt.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, tính năng động và khả năng sáng tạo của người Việt đã và đang được khẳng định. Chẳng hạn, nhóm kỹ sư người Việt Nam do Nguyễn Bảo Anh, Trưởng Văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng chủ trì, đã sáng tạo ra chip 3 nm được ví như “kỳ quan công nghệ”. Các kỹ sư Viettel phát triển chip 5G DFE có thể tính toán 1.000 tỷ phép tính trên giây, tạo tiền đề để Viettel làm chủ công nghệ xây dựng mạng 5G và tiếp tục sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp nước ta đã xuất khẩu phần mềm, thời trang, đồ gỗ, công nghiệp giải trí, công nghiệp thực phẩm và ẩm thực, kiến trúc, điện ảnh… Đó đều là những ngành đòi hỏi sự sáng tạo cao, nhưng người Việt đã làm được và có những dấu ấn nhất định trên trường quốc tế.

Một số người Việt vươn tới đỉnh cao về sáng tạo của nhân loại, như Đặng Thái Sơn là nghệ sỹ dương cầm đầu tiên của châu Á đạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin (1980); nhà toán học Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields (năm 2010) hay bà Phan Thị Giao - một phụ nữ gốc Việt đang chủ trì dự án đóng tàu sân bay hiện đại nhất Hoa Kỳ với giá trị 40 tỷ USD… Đó là những dấu ấn, những thành tựu về sức sáng tạo của người Việt hiện đại. Trong quá khứ, người Việt cũng có nhiều sáng tạo ghi vào lịch sử nhân loại. Đơn cử, kiến trúc sư người Việt - ông Nguyễn An đã kiến trúc nên công trình nổi tiếng của Trung Quốc là Tử Cấm Thành. Thành nhà Hồ, được xây dựng bởi kiến trúc sư Hồ Nguyên Trừng, đến nay được coi là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng bởi kiến trúc sư Trần Lục. Trên thế giới chưa có nhà thờ nào quy mô lớn như thế (trên 20 héc ta) được làm hoàn toàn bằng đá, đặc biệt có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa bản địa với kiến trúc Thiên chúa giáo. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu công trình này và đang làm hồ sơ để Nhà thờ Phát Diệm được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Xin ông chia sẻ quan điểm của ông về khởi nguồn năng lực sáng tạo và nét đặc trưng trong năng lực sáng tạo của người Việt, nếu có?

Sáng tạo thường được khởi nguồn từ khát vọng. Khát vọng sống, khát vọng thay đổi, khát vọng khám phá, tạo giá trị mới… Chính khát vọng là động lực thúc đẩy con người tìm kiếm ý tưởng, giải pháp, tạo nên sản phẩm mới. Chủ thể của sáng tạo là con người, nên đặc trưng quan trọng nhất để sáng tạo là phải có khát vọng làm một điều gì đó chưa ai từng làm. Việc Bill Gates bỏ học đại học để chuyên tâm nghiên cứu phần mềm cho máy tính là một ví dụ điển hình về khát vọng đi tìm cái mới, cái chưa biết và sau này ông sáng lập nên Microsoft, nổi tiếng toàn cầu.

Sáng tạo có thể đến từ những ý tưởng, những gạch nối hiện tượng, lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đến nhau. Từ Walkman (thuộc Sony), người ta liên tưởng rồi sáng chế ra Ipod Apple. Từ chiếc máy tính cồng kềnh, người ta nghĩ cách thu nhỏ nó lại, di động hóa để giúp con người có thể online mọi lúc, mọi nơi… Những sáng tạo này tạo ra Apple với vốn hóa trên 2.800 tỷ USD và nhiều hãng khổng lồ khác như Samsung, Huwei…

Sáng tạo đôi khi cũng rất đơn giản, những khai mở tình cờ trong kho tàng thông tin sáng tạo gần như vô tận trong mỗi con người. Nhà bác học Nikola Tesla để lại hàng trăm phát minh, sáng chế vĩ đại từ dòng điện xoay chiều và các phát minh đặt nền tảng cho công nghiệp số ngày nay, hay Ramanujan có 3.500 bằng sáng chế toán học. Cả hai ông đều cho biết, nhiều phát minh được nhận trong giấc mơ. Lý giải hiện tượng này như thế nào, cần một đề tài chuyên sâu riêng.

Với người Việt, dân tộc chúng ta tồn tại và phát triển tại Đồng bằng sông Hồng, một con sông thuộc loại dữ dằn bậc nhất trên thế giới, lại trải qua nghìn năm Bắc thuộc mà không bị đồng hóa. Hoàn cảnh đã tôi luyện nên một dân tộc kiên cường, giàu khát vọng sống và sức sáng tạo. Năng lực sáng tạo của người Việt bắt nguồn từ hoạt động của người nông dân Việt, trong quá khứ chiếm trên 80% dân số Việt. Trong điều kiện sống hạn hẹp với bình quân ruộng đất thấp, lại bị thiên tai, dịch bệnh thường xuyên, nên người Việt phải sớm học cách khai thác tối đa nguồn lực mình có, buộc phải năng động, sáng tạo để ứng phó với mọi thử thách thiên nhiên và thử thách từ ngoại xâm. Bên cạnh hoàn cảnh sống, năng lực sáng tạo của người Việt còn khác biệt ở thức tư duy duy cảm. Người Việt ta có câu “Tôi nghĩ bụng” là bởi cách ứng xử với thiên nhiên và xã hội bằng thức tư duy duy cảm, khác với thức tư duy duy lý (như châu Âu) hay duy linh (như Ấn Độ), hay thức tư duy Thiên tử là trên hết (như Trung Quốc). Chính thức tư duy này kích thích hoạt động của bán cầu não phải liên quan đến chỉ số EQ, là một trong những thành tố căn bản khiến người Việt có khả năng tưởng tượng, cảm xúc và sáng tạo tốt hơn do thuần tuý chỉ số IQ không làm được.

Một cách cụ thể hơn, năng lực sáng tạo của người Việt được thể hiện rõ nét trong những lĩnh vực nào, thưa ông?

Đầu tiên là sáng tạo trong ngôn ngữ. Chính nhờ thức tư duy duy cảm hay nói cách khác là chỉ số EQ cao, nên ngôn ngữ của dân tộc ta rất phong phú, giàu âm sắc. Một từ “con người” thôi nhưng bao hàm hàm ý rất sâu sắc: trong con có người và trong người có con. Xuất phát của “con người” bắt đầu từ con, bản năng sống, sau đó là người. Hay từ “khí huyết” hàm chứa nhận thức của ông cha chúng ta rằng, trong “huyết” có “khí”. “Khí” đứng trước “huyết”. Ăn có thể nhịn cả tuần không chết, nhưng nếu nhịn thở thì vài phút là chết. Ngôn ngữ Việt Nam mang nội hàm sâu sắc, đầy chất minh triết trong câu từ, mà các ngôn ngữ khác chưa có được.

Thứ hai là sáng tạo trong ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam được cả thế giới đánh giá cao và coi đó là thế mạnh trong hội nhập. Xuất phát từ thực tế người dân nước ta sống trong điều kiện nóng ẩm, nếu chế biến không khéo, thức ăn sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa, đến sức khỏe. Theo đó, từ xa xưa, món ăn của người Việt tổng hợp được những gì tinh túy nhất từ tự nhiên và ăn theo phong cách “mùa nào thức ấy”, nên tươi ngon, bổ rẻ, hợp với sinh thái, với thiên nhiên. Ngay cả khi cái bánh mỳ từ Pháp xâm nhập vào Việt Nam thì chúng ta cũng tạo ra sản phẩm bánh mỳ “made in Vietnam” nổi tiếng thế giới. Trong lòng bánh mỳ Việt Nam có cả 1 vườn rau, rồi nước sốt kiểu Việt Nam, rồi dăm bông, xúc xích, ăn nóng, giòn tươi, ai cũng thích. Rất nhiều món ăn của người Việt dùng gia vị đơn giản thôi, nhưng gia vị đồng thời là thuốc, tốt cho sức khỏe. Đây là một lợi thế quý báu, được kết tinh từ hoàn cảnh sống khắc nghiệt của người xưa, nên phải luôn tìm cách khai thác tối đa những nguồn lực hạn hẹp từ thiên nhiên cho sự sống.

Thứ ba là sáng tạo trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Người nông dân nước ta biết phân bổ đất, quay vòng đất, dùng cho từng mùa. Từ kinh nghiệm khai thác, cấy trồng ở Đồng bằng sông Hồng, chúng ta đã khai khẩn thành công Đồng bằng sông Cửu Long, biến nơi đây thành vựa lúa quan trọng của đất nước. Sáng tạo trong nông nghiệp đã giúp nước ta từ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm 2023, nước ta xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thu về gần 4,5 tỷ USD, chưa kể nhiều nông sản, rau quả Việt đang đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu. Rồi trong chiến tranh, sáng tạo của người Việt được thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Nhìn từ chiếc xe đạp, thế giới làm cho 1 người đi, nhưng sang đến Việt Nam, xe đạp được lắp thêm yên xe để có thể đèo cả gia đình. Trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, để tải lương thực, đạn dược từ vùng hậu phương (Thanh Nghệ) lên chiến trường phải qua Hòa Bình, Sơn La, địa hình vô cùng khó đi. Người Việt lắp thêm thanh tre đực để biến xe đạp thành xe thồ, có thể chở được 700 - 800 kg và đi trên mọi địa hình... Không có những sáng tạo như thế, làm sao chúng ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, làm sao chiến thắng những thế lực hùng mạnh xâm lược đất nước mình.

Thời đại ngày nay là thời đại của kinh tế tri thức, buộc chúng ta và con em chúng ta phải học tập, sáng tạo mới làm chủ được cuộc sống, làm chủ được tương lai. Ảnh Internet

Thời đại ngày nay là thời đại của kinh tế tri thức, buộc chúng ta và con em chúng ta phải học tập, sáng tạo mới làm chủ được cuộc sống, làm chủ được tương lai. Ảnh Internet

Bên cạnh câu chuyện về Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, quan sát tiềm năng, năng lực sáng tạo của con người góp sức cho phát triển kinh tế, ông ấn tượng nhất với sự phát triển của đất nước, nền kinh tế nào?

Tôi ấn tượng với đất nước Israel. Ngay từ khi lập quốc năm 1948, Thủ tướng đầu tiên của Israel David D. Guiron đã tuyên bố: “Tương lai đất nước là khoa học”. Tuyên bố này thể hiện tầm nhìn và nhận thức sâu sắc của một nhà lãnh đạo về vai trò của khoa học, của sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước.

Thực tế đã cho thấy, Israel chỉ chưa đầy 10 triệu dân nhưng có nền kinh tế hùng cường, với GDP năm 2022 khoảng 522 tỷ USD, có một nền công nghiệp, công nghệ quốc phòng phát triển, với xuất khẩu quốc phòng chỉ đứng sau 3 siêu cường là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Cho đến nay, Israel vẫn là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp và startup trên đầu người vào loại cao nhất thế giới. Họ có chỉ số đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên tới trên 4% GDP, cũng vào loại cao nhất thế giới. Nền giáo dục của Israel thuộc loại tiên tiến và họ chọn đúng con đường khoa học để phát triển trên cái gốc là trí tuệ thông minh của dân tộc Do Thái.

Tại Việt Nam, khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới đang được coi là một đột phá chiến lược trong phát triển đất nước. Ông nghĩ sao về điều này?

Những năm trước đây, chúng ta chưa nói nhiều đến khởi nghiệp, đến sáng tạo, đến khát vọng về một quốc gia giàu mạnh, hùng cường, nhưng rất mừng là gần đây, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đề cập nhiều và lan tỏa nhận thức, khát vọng này trong toàn xã hội. Đây là một điểm mới, điểm mới căn cốt về tư tưởng, về nhận thức xã hội để định hình con đường, nhằm xây dựng tương lai đất nước thực sự độc lập, tự do và hùng cường.

Người Việt chúng ta rất năng động, thông minh, nhưng trong quá khứ, sáng tạo của người Việt mới chủ yếu thể hiện trong giải quyết các vấn đề cụ thể, mang tính sự vụ, ứng phó với hoàn cảnh. Trong nhiều năm, chúng ta chưa có khả năng sáng tạo ra cái mới thay đổi về chất, như các tư tưởng mới, học thuyết phát triển mới hay trào lưu văn hóa mới, hay nói cách khác, chúng ta thiếu tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn xuyên thế kỷ như các nhà cải cách tại Nhật Bản hay Israel của thế kỷ trước. Việt Nam coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nhưng khi nhận thức xã hội chưa phát triển, chúng ta lại coi rẻ hoạt động kinh tế, coi rẻ vật chất tiền bạc, người quân tử ăn chẳng cần no và nhìn nhận công việc của giới doanh nhân, nghệ thuật với cái nhìn rẻ rúng như con buôn, xướng ca vô loài… Trong khi đó, sự phát triển của một số nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Israel cho thấy, để sáng tạo giá trị mới, chủ thể chính phải thuộc về giới trí thức và doanh nhân, dựa trên nền tảng là một nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho công tác R&D từ khu vực tư và khu vực công. Đó là lực lượng có khát khao, ước vọng cao đẹp, luôn sẵn sàng dấn thân để tìm kiếm ý tưởng mới, giải pháp mới. Ở phương diện này, nước ta còn nhiều việc phải làm để trở thành một quốc gia sáng tạo và khởi nghiệp thực thụ.

Chúng ta đang phát triển nền kinh tế trong giai đoạn của kinh tế tri thức, vòng đời của mỗi sản phẩm sẽ ngày càng ngắn lại, nhiều lĩnh vực, ngành nghề sẽ biến mất và ngược lại, nhiều doanh nghiệp mới, ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Theo đó, phong trào khởi nghiệp là xu hướng tất yếu trong môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất là Vingroup cũng chọn cho mình thông điệp “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Nếu các doanh nhân được đặt đúng vị trí là chủ thể của sáng tạo và được môi trường thể chế nuôi dưỡng, hỗ trợ sức sáng tạo, nhất là việc tạo cơ chế thúc đẩy các nguồn lực đầu tư cho R&D theo hướng Nhà nước và tư nhân cùng làm, thì chắc chắn nền khoa học công nghệ và sáng tạo Việt Nam sẽ phát triển, sẽ có đóng góp lớn cho đất nước.

Bên cạnh việc tạo môi trường cho các doanh nhân, trí thức sáng tạo thì theo ông, cách nào để xây dựng, nuôi dưỡng năng lực sáng tạo cho giới trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam?

Chẳng có cách nào ngoài việc phải cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo mạnh cần có một nền giáo dục tiên tiến, vì sự phát triển của con người. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, đầu tư cho con người luôn là khoản đầu tư hiệu quả và quyết định tới khả năng sáng tạo, phát triển của mỗi quốc gia. Nền giáo dục tiên tiến cần đào tạo ra những thế hệ trẻ có lý tưởng, niềm tin, có hoài bão, khát khao sáng tạo, khởi nghiệp, tìm những ý tưởng, những giải pháp, con đường mới, giúp cho họ cùng quê hương, đất nước phát triển.

Các nước phát triển ngày nay đang theo đuổi nền giáo dục khai phóng nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tiềm năng của con người. Mỗi trẻ em là một thiên tài, nhiệm vụ của nền giáo dục là phải khai thác tốt tiềm năng vô giá ấy, chứ không phải là làm thui chột mất. Tôi thích cách giáo dục của người Phần Lan, thay vì nhồi nhét cho học sinh kiến thức khô cứng, họ chuyển sang dạy trẻ em theo các chuyên đề liên quan đến cuộc sống và giúp học sinh ứng dụng kiến thức của các ngành khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh việc cải cách giáo dục, chúng ta cần phải vượt một khó khăn nữa. Không giống tư duy của người Israel khi họ học là để có tri thức, để ra làm chủ, để làm ra sản phẩm, đạo học của người Việt trước đây chủ yếu có mục đích thi cử để làm quan, ăn lộc Vua ban. Cho đến nay, tư tưởng đó vẫn bao trùm các gia đình khi cha mẹ đặt áp lực cho con mình phải học thật giỏi, điểm thật cao, nhưng lại mông lung không biết học sau đó để làm gì?

20 năm trước, khi chúng tôi nghiên cứu về sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn, chúng tôi cần tìm những người có khả năng kinh doanh, phát triển tư duy chạy chợ lên tầm cao hơn. Hồi đó, Tổ chức phát triển của UNDP trao cho chúng tôi phương pháp đánh giá thông qua câu hỏi: Thời phổ thông bạn học có giỏi không? Nếu là người học giỏi, bạn có khả năng nhắc lại những điều đã biết. Nhưng làm doanh nhân là làm những điều chưa biết, là kiếm tìm, là sáng tạo, nên nếu chỉ học giỏi, điểm cao thì khả năng làm doanh nhân lại thấp.

Theo đó, giáo dục không chỉ cải cách ở nhà trường mà phải cải cách chính trong môi trường gia đình. Làm sao để trẻ em hiểu rằng, học là để tích lũy tri thức, để làm ra sản phẩm, để tạo nên của cải vật chất, chứ không phải học để “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.

Nếu thế hệ trẻ không xây dựng được mục đích học tập đúng thì tương lai rất khó tự chủ được cuộc sống của mình. Từng gia đình cũng thế và đất nước cũng thế. Thời đại ngày nay là thời đại của kinh tế tri thức, buộc chúng ta và con em chúng ta phải học tập, sáng tạo mới làm chủ được cuộc sống, làm chủ được tương lai, giữ vững được nền độc lập, tự do và hạnh phúc mà thời đại Hồ Chí Minh đã xây nên.