Nửa đầu năm 2016, lực lượng chức năng tại TP.HCM đã phát hiện gần 14.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Hải Quan |
Núp bóng, mượn pháp nhân
Điển hình là trường hợp Công ty TNHH F.R.P (trụ sở tại Quận 12, TP.HCM), để xuất khẩu 42 tấn thỏi nhôm (trị giá hơn 1,4 tỷ đồng) cho Công ty Shinden Techno (Hàn Quốc) mà không bị đánh thuế, công ty này đã khai báo hải quan đây là thanh nhôm đã gia công, không phải là phế liệu nhôm, mới 100%, thuế xuất khẩu 0%.
Tuy nhiên, qua truy xét của Công an TP.HCM và lực lượng hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV từ các hợp đồng, email, packing list, L/C, invoice đã thể hiện hàng xuất chính là Aluminum Ingots (thỏi nhôm), có thuế suất xuất khẩu là 15% (tương ứng số tiền thuế 228 triệu đồng). Hành vi khai báo gian dối này đã bị phát hiện và mới đây (gần cuối tháng 8/2016), Công an TP.HCM đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố truy tố Giám đốc Công ty F.R.P là ông Nguyễn Lương, 36 tuổi, về hành vi “buôn lậu”.
Trong quá trình điều tra cho thấy có dấu hiệu Nguyễn Lương đã cho mượn pháp nhân, thậm chí đóng vai trò bù nhìn (chỉ ký tên để hưởng phần trăm) tại Công ty TNHH F.R.P để phục vụ một nhóm đối tượng khác thao túng các hoạt động gian dối tại công ty này cũng như “phù phép” các thủ tục ngoại thương, khai báo hải quan để xuất lậu thỏi nhôm sang Hàn Quốc.
Tương tự như vậy là trường hợp tại Công ty CP Hiệp Bình Phước (trụ sở tại Quận Thủ Đức, TP.HCM) và Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury (trụ sở Quận 3, TP.HCM) với 3 lô hàng lậu trị giá 2,5 tỷ đồng mà Công an TP.HCM đang điều tra và 2 hồ sơ buôn lậu mà Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan chuyển cho công an điều tra.
Theo đó, Công ty CP Hiệp Bình Phước có 2 lô hàng điện máy (gồm 72 mặt hàng điện máy các loại) nhập lậu núp bóng dưới danh nghĩa là máy móc sử dụng trong công nghiệp các loại (đã qua sử dụng) đăng ký mở tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân cảng Hiệp Phước. Giám đốc công ty này khai nhận chỉ đứng tên, cho mượn pháp nhân để nhập uỷ thác dưới sự “đạo diễn” của kẻ chủ mưu là Nguyễn Thanh Phương (44 tuổi, trú tại Quận 3, đang bị truy nã).
Với Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury cũng vậy, được Nguyễn Thanh Phương lập ra để hoạt động buôn lậu hàng điện máy. Phương thuê người khác làm Giám đốc Công ty nhằm ký tên trên các hồ sơ chứng từ, khai báo hải quan. Khi cơ quan điều tra khám xét Công ty Nam Phương Luxury đã phát hiện hàng chục lô hàng điện máy mà trên tờ khai hải quan ghi hàng nhập khẩu là máy móc sử dụng trong công nghiệp.
Cố tình thành lập nhiều công ty
Đơn cử, một DN nhập khẩu mới được cấp mã số thuế và đi vào hoạt động từ giữa tháng 7/2016 với “lý lịch sạch” nên không bị cảnh báo rủi ro và được hệ thống phân luồng Vàng - kiểm tra hồ sơ hải quan. Đến khi lực lượng chống buôn lậu kiểm tra vào cuối tháng 7/2016 mới phát hiện DN này giở thủ đoạn nhập lậu hàng điện máy nhưng khai báo là mặt hàng cao lanh (lô hàng được phân luồng Vàng).
Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2016, lực lượng chức năng tại TP.HCM đã phát hiện gần 14.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Theo một đại diện Cục Hải quan TP.HCM, không ít DN lợi dụng sự cởi mở, thông thoáng của pháp luật để kinh doanh hàng lậu. Khi lập kế hoạch khoanh vùng 1.000 container tổ chức khám xét, soi chiếu thì phát hiện 208 container nhập hàng lậu.
Thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu hiện nay được cho là lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, nhất là sử dụng phương thức “chọn luồng”. Bọn buôn lậu còn cố tình thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, thường xuyên thay đổi trụ sở (cơ quan quản lý không nắm được). Nếu bị phát hiện, chúng sẽ chuyển sang lấy công ty đã thành lập trên 1 năm, khai báo loại hàng khác với loại trước để gây khó khăn cho hải quan khi sàng lọc thông tin.