Nền tảng vững chắc cho chu kỳ tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh nhiều biến động, cơ hội và thách thức đan xen, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải làm gì để vượt qua khó khăn, tạo ra động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Báo Đấu thầu trân trọng gửi tới quý độc giả một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp trước thềm chu kỳ tăng trưởng mới.
Năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng trong đó cũng ẩn chứa không ít cơ hội để bứt phá, tăng tốc. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng trong đó cũng ẩn chứa không ít cơ hội để bứt phá, tăng tốc. Ảnh: Tường Lâm

“Huy động các nguồn lực xã hội cho những dự án trọng điểm”

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn nên Chính phủ phải triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ an toàn, bình ổn cho nền kinh tế; đồng thời huy động các nguồn lực để khắc phục các hệ lụy của dịch bệnh, thiên tai. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực hữu hạn của ngân sách khó đủ để hỗ trợ, bù đắp cho những khó khăn của doanh nghiệp, việc giữ vững được sự bình ổn về sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đã là thành công lớn trong bối cảnh dịch bệnh. Chính phủ cần triển khai nhiều giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư các dự án trọng điểm. Việc đầu tư trong thời gian tới cần phải chọn lọc kỹ lưỡng, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ cần quán triệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nguồn lực eo hẹp của đất nước được sử dụng đúng mục đích, đúng trọng tâm. Cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để những vụ việc tham nhũng, lãng phí… để nêu gương, là bài học cảnh tỉnh, răn đe đối với những hành vi tham nhũng, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn chung, cần phải sáng suốt, thông minh trong đầu tư, lựa chọn lĩnh vực thế mạnh, phù hợp với cơ chế thị trường, có ý chí, khát vọng và nghị lực vươn lên, không nên đầu tư manh mún, chộp giật mà phải có tầm nhìn dài hạn, có chiến lược đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững.

“Kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá”

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Tuy đang đối diện với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương và dự báo sẽ tăng khoảng 6,7% trong năm tới. Bước sang năm 2021, kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi tình hình dịch bệnh dần trở lại bình thường. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội bứt phá hơn dù phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn.

Thời gian qua Chính phủ đã khống chế dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Đặc biệt, còn thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ cùng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải biết nắm bắt cơ hội, tận dụng những lợi thế và phải biết nhìn ra xu thế để nâng cao năng lực cạnh tranh, chứ không thể ỷ lại.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phải nâng cao tinh thần hợp tác, sáng tạo, chuyển động theo xu thế cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số để có những sản phẩm mới, giải pháp đi kèm và tương tác khách hàng. Một khi doanh nghiệp có thể tối ưu hoá tương tác và hợp tác, chắc chắn sẽ gia tăng động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Kinh tế tuần hoàn - hướng đi bảo đảm phát triển bền vững”

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Thời gian qua, chúng tôi có nhiều nghiên cứu và kiến nghị liên quan đến phát triển bền vững. Những nội dung này xuất phát một phần từ cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA..., nhưng một phần khác quan trọng hơn chính là quá trình chuẩn bị của Việt Nam.

Một nội dung chúng tôi đang nghiên cứu và có thể sẽ xây dựng một đề án cho Chính phủ là phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đây là một hướng đi quan trọng nhằm bảo đảm quá trình phát triển của đất nước bền vững. Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức thân thiện hơn về phát triển bền vững, đừng nhìn phát triển bền vững như một sự đánh đổi, gánh nặng chi phí với doanh nghiệp. Trong bối cảnh mới, những doanh nghiệp đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới sự thân thiện với môi trường dễ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn những doanh nghiệp sản xuất truyền thống.

Vì vậy, doanh nghiệp hãy nhìn yêu cầu phát triển bền vững như là một điều kiện cần để chúng ta có một cuộc chơi tốt trong hội nhập. Khi doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, hàng hóa sẽ chuyển sang một phân khúc khác với chất lượng cao hơn, tiếp cận tốt hơn những thị trường khó tính. Một khi chen chân được vào các thị trường khó tính thì hàng hóa bán được với mức giá cao, hoàn toàn bù đắp được những chi phí đầu tư đổi mới.

Đặc biệt, chúng ta không thể chờ đại dịch kết thúc, hãy nghĩ đại dịch và các cú sốc là cơ hội để thay đổi tư duy, từ đó sớm đổi mới cách làm tiến tới phát triển bền vững.

“Ổn định vĩ mô là tiền đề rất tốt cho năm 2021”

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Ổn định vĩ mô thời gian qua là tiền đề rất tốt cho năm 2021 khi nền kinh tế tăng trưởng và sự hỗ trợ từ sức cầu nội địa tăng lên, chứ không chỉ phụ thuộc dòng vốn nước ngoài. Sau Covid-19, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt và vị thế của Việt Nam cũng từng bước được nâng lên.

Năm 2021 tăng trưởng kinh tế của nước ta có thể đạt 6,5 - 7%. Trong năm 2020, chỉ Việt Nam có kinh tế tăng trưởng dương 4 quý liền, trong khi đa số các kinh tế đều có tăng trưởng âm từ 2 đến 3 quý. Đó là một dấu ấn tốt.

Năm 2020, nông nghiệp là lĩnh vực suy giảm ít nhất; xuất khẩu bị sức ép do Covid-19 nhưng vẫn đạt kỷ lục xuất siêu kể từ năm 2016 đến nay... Các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải đều giảm, nhưng trong năm 2021 kỳ vọng sẽ lấy lại phong độ do dịch bệnh hứa hẹn được kiểm soát tốt. Nghĩa là, so với năm 2020, năm 2021 sẽ có nhiều thuận lợi hơn nên chúng ta có quyền hy vọng vào những bước tiến mới cho nền kinh tế nước nhà.

“Thập niên sắp tới là cơ hội lớn cho ngành bất động sản Việt Nam”

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh

Giai đoạn cuối của thập niên 2010 chứng kiến nhiều biến cố, khó khăn, nhưng có thể thấy thị trường bất động sản, nhà ở tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn có sự phát triển mạnh mẽ và tiềm năng đột phá trong đầu thập niên 20 của Thế kỷ 21.

Khi đại dịch qua đi và nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, chúng ta có thể dự đoán nhu cầu về sản phẩm bất động sản du lịch trong đầu thập niên tới sẽ tiếp tục tăng nếu sắp tới đây Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về sản phẩm này.

Bên cạnh đó, Việt Nam với dân số hiện tại hơn 97 triệu dân thì áp lực về nhà ở, căn hộ ở tại các thành phố sẽ rất lớn, đặc biệt là loại căn hộ cao cấp, căn hộ thông minh và nhiều tiện ích cho thế hệ 8x - 9x. Nói như vậy không có nghĩa là nhu cầu căn hộ bình dân sẽ giảm. Thực tế người lao động trẻ tại các đô thị “vệ tinh” và tại các khu công nghiệp đang rất khó khăn về chỗ ở, các sản phẩm căn hộ thương mại giá bình dân với diện tích dưới 50 m2 chưa được quan tâm, trong khi nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhu cầu về bất động sản thương mại, dịch vụ, văn phòng và bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục duy trì song song với tốc độ hồi phục kinh tế thế giới, đặc biệt với làn sóng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam.

Đối với loại hình condotel (căn hộ du lịch), căn hộ khách sạn..., vướng mắc về pháp lý vẫn là cản trở lớn nhất khiến loại hình bất động sản du lịch chưa thể phát triển thuận lợi, tạo điều kiện để thu hút được vốn đầu tư từ ngoài nước.

“Phải tiết kiệm triệt để những khoản chi không cần thiết”

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Kinh tế năm 2021 được dự báo vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Nhiều hệ quả của dịch Covid-19 để lại sẽ còn ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn thu ngân sách nhà nước cũng gặp khó khăn, khả năng cân đối nguồn lực để triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh, chi cho đầu tư phát triển cũng sẽ bị hạn chế.

Trong năm 2021, cần tăng cường các dự báo gần và chuẩn xác để kịp thời tham mưu cho Đảng, Chính phủ ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có biện pháp phản ứng nhanh nhạy để bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên đẩy mạnh tiến độ giải ngân công trình giao thông, đặt yêu cầu về kỷ luật lên hàng đầu để gắn trách nhiệm của các đơn vị thực hiện; đồng thời, tăng cường triển khai công tác thu đảm bảo tiến độ, không để thất thu, thất thoát nguồn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, chúng ta phải thực hiện tiết kiệm triệt để những khoản chi không cần thiết, không hiệu quả để tiết giảm nguồn chi ngân sách nhà nước. Cùng với đó, phải tiếp tục rà soát để tinh gọn bộ máy hành chính, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ở cả khu vực công và khu vực tư để có biện pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn lực này, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế.

“Thay đổi cách tìm kiếm, kêu gọi đầu tư FDI”

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trên thế giới đang coi Việt Nam là một địa điểm đầu tư hấp hẫn. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Lý do đơn giản là vì, từ trước tới nay, người Hàn Quốc rất thích văn hóa Việt Nam cũng như đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh khá gay gắt, không chỉ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, Việt Nam cũng cần phải có những chính sách thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ, hấp dẫn các nhà đầu tư hơn để có thể thu hút được FDI vào những lĩnh vực mong muốn.

Trong thời gian tới, FDI sẽ tiếp tục là động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với định hướng này, Việt Nam đang mở cửa và rất nỗ lực thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn, nhất là trong những ngành sử dụng công nghệ cao, có tính chất lan tỏa... Theo đó, tôi cho rằng, bên cạnh việc quản lý tốt đầu tư, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, thì Chính phủ cũng phải như là những doanh nghiệp, phải luôn đổi mới cách thức tìm kiếm khách hàng, kêu gọi đầu tư để thu hút được những nhà đầu tư chiến lược với những chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn.

“Khởi nghiệp sáng tạo là động lực phát triển nhanh và bền vững”

Ông Trần Hữu Đức, Tổng giám đốc Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam VIISA

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Minh chứng là dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á có chiều hướng giảm trong năm 2020, nhưng riêng Việt Nam vẫn đang giữ vị trí hấp dẫn thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia. Lượng vốn đầu tư vào hoạt động này tại Việt Nam 9 tháng đầu năm nay vẫn đạt khoảng 2/3 số vốn đầu tư năm 2019. Kết quả này đạt được nhờ công tác phòng, chống dịch bệnh rất hiệu quả; Chính phủ chú trọng và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh… Đây chắc chắn là tiền đề để năm 2021 cũng như những năm sắp tới, Việt Nam sẽ nhận được những khoản đầu tư lớn hơn.

Đánh giá của các nhà đầu tư cũng chỉ ra rằng, tiềm năng đầu tư vào các startup của Việt Nam còn rất lớn nhờ vào xung lực mới đến từ phát triển kinh tế số và hoạt động đổi mới sáng tạo đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn đất nước. Theo đó, dự kiến, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo sẽ tiếp tục khởi sắc, góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực sáng tạo, từ đó đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững thời kỳ hậu Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một sự thay đổi lớn, bởi thế, xu hướng đầu tư năm 2021 chắc chắn có sự thay đổi về mặt khẩu vị. Các doanh nghiệp có những giải pháp giúp cho các doanh nghiệp khác, cũng như người dân có thể thích nghi nhanh hơn với dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ hấp dẫn đầu tư.

Tin cùng chuyên mục