Nếu luật sư phải tố giác khách hàng, tham gia án tranh tụng sẽ chỉ là hình thức

(BĐT) - Nguyên tắc kỹ thuật khi làm luật là phải đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật, ngành luật khác nhau để phối kết hợp, bổ trợ cho nhau. Song, bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu câu chuyện, nếu Điều 19 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đang được Quốc hội thảo luận có hiệu lực thì sẽ trái với quy định tại Điều 73 Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Dẫn đến việc, thực thi luật này thì trái với luật kia và ngược lại.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: Trần Tuyết
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: Trần Tuyết

Thưa ông, Điều 19 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH đang có những xung đột như thế nào với các quy định của pháp luật hiện hành?

Điều 73 của Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.Trong đó, luật sư có hàng loạt quyền để thực hiện nhiệm vụ của mình. Với tính chất nghề nghiệp đặc thù của luật sư thì pháp luật cũng quy định cấm luật sư thực hiện một số hành vi, đó là: cấm tiết lộ bí mật của khách hàng trong mọi trường hơp, không sử dụng tài liệu, thông tin của khách hàng cung cấp cho bất kể người nào khác. Tại Điều 73 cũng không có quy định “trừ khi pháp luật có quy định khác”. Có nghĩa rằng, trách nhiệm của luật sư trong việc "cấm tiết lộ" là tuyệt đối.

Trong khi đó, Điều 19 tại Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội đang thảo luận quy định luật sư phải tố giác tội phạm, tố giác thân chủ đang là khách hàng của mình. Khi luật sư đang tham gia vào tố tụng vụ án đó thì phải tuyệt đối tuân thủ quy định tại Điều 73 của Luật Tố tụng hình sự 2015.

Nhưng nếu quy định như Điều 19 thì 2 luật của cùng cơ quan có thẩm quyền thông qua, có giá trị thực thi như nhau lại đang có điều xung đột nhau, vi phạm nguyên tắc kỹ thuật làm luật là “luật không được xung đột luật”. Khi đó luật sẽ không phát huy tác dụng, không giải quyết mối quan hệ pháp luật nhà nước cần điều chỉnh.

Có ý kiến cho rằng, luật sư không quy định giới hạn, phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự thì có nghĩa luật sư phải chịu trách nhiệm tất cả các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1999. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho ý kiến đó là sai lầm. Bởi Luật không đưa chủ thể luật sư vào quan hệ pháp luật đó nhưng bên cạnh đó Luật Tố tụng hình sự năm 2015 cấm luật sư tiết lộ bí mật của khách hàng. Trong mấy chục năm qua không có trường hợp nào là xem xét trách nhiệm pháp luật đối với luật sư.

Tới đây vai trò của luật sư khi tham gia vào các án chỉ định của các cơ quan thi hành tố tụng được nâng lên. Ở những vụ án bị can, bị cáo bị điều tra, truy tố từ 20 năm tù trở lên thì những loại tội đặc biệt nghiêm trọng ấy luật sư phải tham gia vào bắt buộc theo chỉ định. Nếu Điều 19 có hiệu lực thì tỷ lệ luật sư tham gia tranh tụng những vụ án này sẽ rất thấp, hoặc có tham gia vào cũng chỉ là hình thức, vì họ e ngại tai nạn nghề nghiệp, e ngại rủi ro nghề nghiệp đến với họ.

Vậy quan điểm của ông đối với quy định này là gì, thưa ông?

Trước hết phải bảo đảm nguyên tắc của Hiến pháp, bảo đảm các quyền của cá nhân, tổ chức, con người, tài sản phải tuân theo nguyên tắc của Hiến pháp. Luật được ban hành ra không được trái với nguyên tắc của Hiến pháp, điều chỉnh tất cả mối quan hệ đó.

Dự thảo Bộ luật Hình sự bổ sung rất nhiều điều, những chủ thể mới, những mối quan hệ mới cần phải điều chỉnh, cần bảo vệ. Nhưng bên cạnh đó có những quan hệ pháp luật không mới nhưng lại đưa chủ thể mới. Ví dụ như vấn đề tố giác tội phạm, quan hệ pháp luật đấy thì từ những luật từ năm 2015 trở về trước đều đã có sự điều chỉnh rồi. Việc đưa chủ thể mới cụ thể vào trong Luật này dẫn đến có những bất cập.

Cho nên có rất nhiều khía cạnh mà chúng ta phải xem xét 1 cách toàn diện tác động của nó đến đời sống xã hội, đặc biệt liên quan đến nghề tri thức vốn nhạy cảm được xã hội quan tâm, người dân quan tâm. Nhất là trong giai đoạn hiện nay xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, mở cửa đầu tư thì vai trò của luật sư phải được tạo điều kiện để nâng lên và các tiết chế phải đảm bảo đúng nguyên tắc của Hiến pháp, pháp luật.

Tin cùng chuyên mục