Nga trong thế tiến thoái lưỡng nan

Trong khi cả thế giới đang tập trung vào thỏa thuận không gia tăng sản lượng dầu mỏ giữa Nga, Ả Rập Xê út và một số quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vẫn còn những cân nhắc khác phía sau gây ảnh hưởng quan trọng hơn tới ngành công nghiệp năng lượng của quốc gia này.
Nga trong thế tiến thoái lưỡng nan

Đồng USD mạnh và giá dầu sụp đổ đã đặt ra thách thức mới đối với nền kinh tế nước Nga. Trước hoàn cảnh này, giới chức Nga đang có những suy tính trước khi đưa ra quyết định: buộc các công ty dầu mỏ Nga bán thêm ngoại tệ và tăng thuế. Điều này sẽ giải quyết hai vấn đề: chuyển đổi từ USD sang ruble sẽ củng cố đồng nội tệ, trong khi thuế thu thêm sẽ lấp bớt lỗ hổng ngân sách.

“Lượng tài sản có được dưới thời giá dầu cao tại ngân sách quốc gia Nga đang bốc hơi nhanh chóng. Dưới thời giá dầu cao, việc tăng doanh thu của Nga đơn giản chỉ cần cổ vũ các công ty như Rosneft OJSC và Lukoil PJSC nâng sản lượng lên cao hơn nữa”, Alexander Nazarov, chiến lược gia tại Gazprombank nói. Hiện tại, điện Kremlin và các công ty trên cần phải tìm ra cách khác để vượt qua mức giới hạn, thậm chí phải dùng tới cả các biện pháp có thể tổn hại tới sản lượng đầu ra trong dài hạn.

“Ngân khố quốc gia Nga đang thâm hụt nặng. Chính phủ Nga hiểu rằng, việc tăng thuế có thể tổn hại tới triển vọng tăng trưởng trong tương lai, tuy nhiên họ không còn lựa chọn nào khác”, Nazarov cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin lên tiếng xác nhận rằng, Chính phủ đang kiểm soát sản lượng dầu và khí đốt, thực tế, phần lớn các công ty thuộc ngành công nghiệp này vẫn nắm vai trò chủ động. Họ xoay sở để có thể cân bằng giữa việc tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Trong hơn một thập kỷ, chiến lược này đã thành công khi sản lượng đầu ra tăng lên tới mức kỷ lục, đồng thời đóng góp khoảng một nửa doanh thu của ngân sách quốc gia. Việc giá dầu sụp đổ đã phá vỡ sự cân bằng, đẩy Nga vào tình trạng thâm hụt ngân sách và đối diện với năm khủng hoảng thứ hai.

Để đối phó với giá giảm, các nhà sản xuất tại Nga đã phải kiềm chế hoạt động đầu tư, chỉ chi tiền cho hoạt động cần thiết nhằm duy trì sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, việc hạn chế đầu tư có thể sẽ cần được nâng cao hơn nữa, nếu điện Kremlin tăng thuế.

Mặc dù vậy, trong số các nhà sản xuất dầu lớn, Nga có thể là nước đang gặp khá nhiều may mắn khi có thể đối phó với việc USD lên cao và giá dầu rẻ, bởi các công ty dầu mỏ Nga thanh toán bắng đồng ruble yếu và nhận về USD cho sản phẩm của mình. Lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu khí tại Nga sẽ tăng lên nhờ đồng rubles mất giá mạnh so với đồng USD, trong khi giá dầu thô được niêm yết theo USD.

Theo khảo sát từ 17 chuyên gia của Bloomberg, Rosneft, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất tại Nga, sẽ công bố lãi ròng vào khoảng 487 tỷ rubles (6,6 tỷ USD) trong năm 2015, tăng 40% so với năm 2014. Trong khi đó, Lukoil dự kiến sẽ giảm 9,5% lợi nhuận, xuống còn 4,27 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu đổi sang rubles, công ty sẽ có lợi nhuận tăng khoảng 72%, ở mức 313 tỷ rubles.

Trong khi đó, Royal Dutch Shell Plc, công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, đã báo cáo lợi nhuận bằng USD giảm 53% trong năm 2015 so với năm trước đó.

Thông thường, điện Kremlin thường rất cẩn thận trong việc quản lý thuế đối với các nhà sản xuất dầu mỏ. Ngay cả khi nhà sản xuất tại Nga có chi phí sản xuất ở mức thấp, chính phủ vẫn giảm nhẹ thuế cho các công ty năng lượng qua các năm.

Việc tăng thuế đối với các nhà sản xuất dầu mỏ đi ngược lại với kế hoạch thuế được công bố trong năm ngoái. Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev, trong năm 2016, việc áp dụng mức thuế mới sẽ giúp thu về thêm 200 tỷ rubles từ ngành công nghiệp này so với kế hoạch trước đó. Chính phủ cũng áp dụng việc tăng thuế bán hàng đối với các loại nguyên liệu như gas và dầu diesel.

Đề nghị tăng thuế từ Bộ Tài chính có thể khiến ngành công nghiệp này tổn thất 11 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2017, theo VTB Capital. Dmitry Loukashov, chiến lược gia tại ngân hàng này cho rằng: “Chính phủ có thể thu về bao nhiều tùy ý muốn, điều đó còn phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế”.

“Hiện tại, Chính phủ Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng xem liệu có chấp nhận đề nghị trên từ Bộ Tài chính hay không”, Phó thủ tướng Arkady Dvorkovich cho biết.

Tin cùng chuyên mục