Ngấm “đòn” Covid-19, doanh nghiệp lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả khảo sát 15 hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cho thấy, DN Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai.
Tác động của đợt dịch Covid-19 thứ hai khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Ảnh: Lê Tiên
Tác động của đợt dịch Covid-19 thứ hai khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Ảnh: Lê Tiên

Đáng lưu ý, kết quả nghiên cứu chỉ ra có 47% số DN khảo sát buộc phải cắt giảm lao động, một số DN đã giải thể và chỉ còn 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch...

Doanh nghiệp điêu đứng

Theo kết quả khảo sát của Ban IV, DN phải đối mặt với các khó khăn lớn trong giai đoạn hiện nay và 6 tháng tới. Đơn cử như: không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%)...

Đáng lưu ý, tại đợt khảo sát lần này, có tới 76% số DN cho biết hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% DN có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Tác động của đợt dịch thứ hai khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Trong đó, 5% doanh nghiệp cắt giảm 100% lao động; 15% doanh nghiệp cắt giảm từ 75% đến dưới 100% lao động; 13% doanh nghiệp cắt giảm từ 50% đến dưới 75% lao động; 10% doanh nghiệp cắt giảm từ 25% đến dưới 50% lao động; 4% doanh nghiệp cắt giảm dưới 25% lao động và 27% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm/giảm lương.

Liên quan đến “sức khỏe” của DN, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng, cả nước có tổng cộng 103.424 DN rút lui khỏi thị trường, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này cao hơn nhiều so với 88.651 DN thành lập mới. Chưa kể, 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có 30.622 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Một đại diện nhà thầu xây dựng tại Hà Nội chia sẻ với Báo Đấu thầu, dòng tiền của DN đang bị ảnh hưởng do chủ đầu tư giãn thu tiền đấu giá đất, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giải ngân chậm... khiến một số gói thầu “đắp chăn” chờ vốn. Với tình hình này, DN tính toán, doanh thu năm 2020 giảm 30 - 40% so với năm ngoái.

Chung cảnh ngộ, một nhà thầu xây dựng khác tại Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch Covid-19 lần 2 khiến các công trình thi công bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Một số công trình đã hoàn thành chưa được chủ đầu tư thanh toán. Chưa kể, với lượng khách hàng chính là các DN bất động sản, du lịch - nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19, dòng tiền của nhà thầu bị ảnh hưởng rất lớn. Vì thế, doanh thu năm 2020 của DN có thể giảm 50 - 60% so với năm trước”.

Ở lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, các DN đang rất khó khăn. “Thông thường thời điểm này, DN đã có đơn hàng của quý IV và năm sau. Tuy nhiên, lượng hàng truyền thống đặt mới đạt tầm 50 - 60%”, ông Việt cho biết.

Cần tiếp tục làm gì để giúp doanh nghiệp?

Nhận định về việc nhiều DN không cân đối được thu chi, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng: “Con số này chứng tỏ DN đang rất khó khăn sau 2 đợt dịch, đặc biệt là về dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính hiện tại cũng như sắp tới”. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, theo ông Lực, cũng có điểm tích cực đó là đến nay chúng ta cơ bản kiểm soát tốt đợt dịch lần 2. Hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản đang dần quay trở lại quỹ đạo. Đây là tín hiệu tích cực hơn nhiều so với các nước khu vực và trên thế giới, đặc biệt là thị trường trong nước có khả năng phục hồi tương đối tốt. “Chính phủ phải khẩn trương triển khai tiếp tục các gói hỗ trợ ban đầu, những gì vướng mắc cần tháo gỡ ngay; đồng thời thiết kế gói hỗ trợ lần thứ hai đúng trọng tâm, trọng điểm”, ông Lực đề xuất.

Về vấn đề này, Ban IV cũng đề xuất với Chính phủ, việc xây dựng gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho DN. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ DN lên làm ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện để gia tăng niềm tin từ DN.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc cải cách, cải thiện môi trường kinh nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN vượt qua khó khăn phải được đẩy mạnh hơn nữa. Những điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nào bất hợp lý, gây khó khăn cho DN phải được cắt bỏ. “Đây chính là giải pháp tăng sức đề kháng cho DN chống chọi và vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục