Ảnh Internet |
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, WB dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng 1/2023, song vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 3,1%.
WB cũng cắt giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 xuống còn 2,4%, từ mức 2,7% đưa ra hồi tháng 1/2023, nguyên nhân là do những tác động đến từ độ trễ của các chính sách tiền tệ thắt chặt và các điều kiện tín dụng hạn chế hơn đang làm giảm đầu tư kinh doanh và nhà ở.
Báo cáo của WB lưu ý, những yếu tố này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian còn lại của năm 2023 chậm lại đáng kể và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong năm 2024. WB dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục lên mức 3,0% vào năm 2025.
"Năm 2023 vẫn sẽ đánh dấu một trong những năm tăng trưởng chậm nhất đối với các nền kinh tế tiên tiến trong 5 thập kỷ qua. Khoảng 2/3 các nền kinh tế đang phát triển sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, gây trở ngại lớn cho quá trình phục hồi sau đại dịch, giảm nghèo và gia tăng khó khăn về nợ chính phủ", Chuyên gia kinh tế trưởng Indermit Gill tại WB nhận định.
Trước đó vào tháng 1/2023, WB đã cảnh báo GDP toàn cầu đang chậm lại và đứng trước bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, kể từ đó, sức mạnh của thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ đã vượt quá kỳ vọng, cộng thêm sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 hiện được dự báo ở mức 1,1%, cao hơn gấp đôi so với mức 0,5% được đưa ra vào tháng 1/2023; trong khi tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 5,6%, cao hơn so với mức dự báo 4,3% đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, WB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Mỹ xuống mức 0,8% và của Trung Quốc xuống còn 4,6%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu được nâng lên mức 0,4%, song dự báo tăng trưởng cho năm 2024 cũng bị cắt giảm nhẹ.
Theo WB, những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang góp phần khiến các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024. Một trong những kịch bản bất lợi được WB đưa ra đó là căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng dẫn đến khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng và thị trường tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến bị ảnh hưởng lớn hơn. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ cắt giảm xuống chỉ còn 1,3%, tốc độ chậm nhất trong vòng 30 năm, ngoại trừ các đợt suy thoái năm 2009 và 2020.
"Trong một kịch bản khác là khi căng thẳng tài chính lan rộng trên toàn cầu ở mức độ lớn hơn, nền kinh tế thế giới có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2024", WB cho biết.
Theo WB, lạm phát sẽ giảm dần khi tăng trưởng giảm tốc cũng như nhu cầu lao động ở nhiều nền kinh tế suy giảm, song lạm phát cơ bản dự kiến vẫn sẽ cao hơn so với mục tiêu của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia trong suốt năm 2024.