Ngăn sự giảm tốc của công nghiệp

Với mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2016 cao hơn năm trước, đòi hỏi ngành công nghiệp phải tăng cao hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp trong quý I/2016 đã giảm tốc, cần có giải pháp ngăn chặn.
Ngăn sự giảm tốc của công nghiệp

Tăng trưởng giảm tốc

Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2015 so với quý I/2016 rất đáng báo động.

Theo đó, tốc độ tăng của toàn ngành 3 tháng đầu năm 2016 thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015.

Nếu xét theo ngành, thì ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp là chế biến, chế tạo, tuy vẫn còn tăng khá và cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành, nhưng đã thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015; trong đó một số ngành, sản phẩm cụ thể, thời gian trước tăng cao, nhưng nay tăng chậm hơn, thậm chí còn bị giảm. Ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, nếu cùng kỳ năm 2015 tăng 7,2%, thì 3 tháng đầu năm nay giảm tương đối sâu, tới -1,2%. Hai ngành còn lại tăng cao, nhưng do tỷ trọng trong toàn ngành công nghiệp nhỏ, nên tác động đến tốc độ tăng của toàn ngành không lớn.

Trong 3 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp giải thể là 2.919 doanh nghiệp, tăng 13,2%, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 20.044 doanh nghiệp, tăng 23,9%.

Xét ở đầu ra, chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn chỉ số tiêu thụ của năm 2015. Mặc dù 3 tháng xuất siêu, nhưng chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu tăng thấp (tăng 4,1%), trong khi nhập khẩu giảm (giảm 4,8%). Nhập khẩu giảm có phần quan trọng do giá nhập khẩu tính bằng USD giảm và còn do nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở trong nước chậm lại.

Các giải pháp ngăn chặn

Việc công nghiệp tăng chậm lại trong 3 tháng khởi đầu - thời gian có nhu cầu tăng cao, là cảnh báo đáng quan tâm đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm, do vậy, cần quyết liệt, khẩn trương tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng tăng chậm lại này. Có nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp chủ yếu sau.

Trước hết, cần khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp, tập trung cho nhóm ngành kinh tế thực (nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng), ngăn chặn tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động đang diễn ra nhiều trong thời gian qua. Tình trạng khởi nghiệp chưa nhiều, do lòng tin vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính chưa cao. Tình trạng phá sản, dừng kinh doanh hoạt động do nợ xấu, do việc tiếp cận vốn khó khăn, do tỷ suất lợi nhuận trước thuế thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng, do thị trường bất động sản - nguyên nhân chủ yếu của nợ xấu, vừa mới ấm lên đã lo sợ bong bóng, muốn thắt chặt tín dụng... đã chững lại trong quý I.

Giải pháp thứ hai là tăng tổng cầu. Mặc dù về tốc độ thì tổng cầu đã cao hơn tổng cung, nhưng về quy mô tuyệt đối thì tổng cầu vẫn nhỏ hơn tổng cung. Trong các giải pháp tăng tổng cầu, có thể nới lỏng một phần chính sách tiền tệ. Trước hết là hạ lãi suất cho vay, hiện là một trong các giải pháp được nhiều nước áp dụng. Nước Mỹ sau khủng hoảng đã tung ra hàng ngàn tỷ USD để kích thích tăng trưởng, đã 7 năm nay giữ lãi suất ở mức gần bằng 0. Nước Nhật đã hàng chục năm nay giữ lãi suất gần bằng 0 và mới đây còn đưa xuống mức âm. Cả khu vực EU cũng giảm lãi suất. Trung Quốc đang chặn tình trạng suy giảm tăng trưởng bằng việc hạ lãi suất, phá giá đồng tiền và tung nhiều tỷ USD ra nền kinh tế. Do đó, hạ lãi suất cùng với giải quyết nợ xấu một cách thực chất, sẽ góp phần giúp tăng trưởng tín dụng cao hơn. Xem xét để giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngừng phát hành tín phiếu ngân hàng nhà nước, tăng cường chiết khấu trái phiếu chính phủ, trái phiếu đặc biệt (mua nợ xấu), đẩy nhanh thị trường mở... Bên cạnh đó, ngăn chặn sự phá sản, tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp cũng là giải pháp giữ ổn định xã hội, tăng tổng cầu.

Giải pháp thứ ba là hỗ trợ xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. So với cùng kỳ năm trước, nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm khoảng 1,2 tỷ USD (từ 7,7 tỷ USD xuống còn 6,5 tỷ USD), nhưng lại tăng nhập siêu từ Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia...

Cuối cùng là cơ cấu lại khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện tại đang có khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa 2 khu vực này, khi khu vực FDI chiếm trên dưới 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.