Ngành Kế hoạch và Đầu tư giao ban trực tuyến: Chủ động tham mưu các giải pháp đủ mạnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng nay (28/7), Hội nghị Giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) năm 2020 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Lãnh đạo, đại diện 63 tỉnh, thành tham gia tại các điểm cầu, cùng Bộ KH&ĐT thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì Giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì Giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, qua 6 tháng, mặc dù Việt Nam đạt được tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế nước ta nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều thách thức.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến ngành KH&ĐT, Bộ KH&ĐT.

"Thời điểm này cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 cao nhất có thể, vừa hoàn thành mức cao của kế hoạch 5 năm, vừa tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo. Việc giữ và tạo đà tăng trưởng các năm tiếp theo rất quan trọng, vì nếu để giảm sâu sẽ mất nhiều chi phí, công sức phục hồi nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Vì thế, ngành KH&ĐT phải tập trung cao độ để nghiên cứu, tham mưu những chính sách đủ mạnh để huy động và giải phóng tối đa các nguồn lực.

Vì thế, bên cạnh sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ, Hội nghị tập trung thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm, thống nhất cách thức triển khai thực hiện, tạo sự đồng bộ, nhất quán trong toàn hệ thống... Bên cạnh đó, nội dung quan trọng khác tại Hội nghị là trao đổi các vấn đề, nội dung khẩn trương chuẩn bị xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 đạt chất lượng tốt nhất.

Trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ KH&ĐT, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân - Bộ KH&ĐT, cho biết, Bộ KH&ĐT đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu cho Chính phủ những giải pháp chính xác, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, qua 6 tháng, mặc dù Việt Nam đạt được tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế nước ta nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, qua 6 tháng, mặc dù Việt Nam đạt được tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế nước ta nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Bộ đã trình Quốc hội thông qua 3 luật và 3 nghị quyết; tập trung triển khai thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác cũng như giao bổ sung. 100% các đề án, báo cáo do Bộ chủ trì xây dựng được báo cáo đúng hạn, công tác thực hiện đều bám sát các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ với chủ đề hành động mười hai chữ năm 2020 của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ đã chủ động theo dõi sát sao, phân tích thường xuyên, liên tục đánh giá và dự báo tình hình để kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 đồng thời tận dụng mọi cơ hội, dù là nhỏ nhất, để phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.

Bên cạnh khối lượng công việc rất lớn phát sinh, Bộ tiếp tục triển khai và hoàn thành một khối lượng rất lớn các công việc thường xuyên, công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam… Chuẩn bị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021...

Theo ông Đỗ Thành Trung, trong các tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT tiếp tục nỗ lực đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đánh giá rất cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, ngành KH&ĐT trong công tác tham mưu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kịp thời tham mưu cho Chính phủ nhiều Chỉ thị, Nghị quyết làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện địa phương.