Các công ty sữa của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong cuộc chiến giành thị phần cùng các thương hiệu sữa lớn trên thế giới. Ảnh: Ngọc Anh |
Thị phần trong tay “ông lớn”
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Sau 40 năm đi vào hoạt động và phát triển, đến nay DN này đã vươn lên chiếm thị phần áp đảo ở phân khúc sữa nước, đưa sản phẩm của Vinamilk chiếm lĩnh vị trí số 1 thị trường sữa tại Việt Nam. Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thực hiện nhiều hợp đồng cho các đối tác, kể cả các đối tác kỹ tính tại Mỹ, Anh, Đức, Canada… Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD.
Theo một báo cáo của Euromonitor International - công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu - về các công ty sữa trên toàn thế giới, hiện Vinamilk đang đứng thứ 49 của toàn cầu về doanh thu các sản phẩm sữa trong năm. Doanh thu này hiện cao hơn 18% so với mức doanh thu trung bình của các công ty sữa ở châu Á. Hiện nay, ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zeland, Campuchia, 1 công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và châu Phi.
Theo Euromonitor International, chỉ riêng trong năm 2015, ngành sữa Việt Nam đã ghi nhận mức sản lượng sữa các loại cao nhất từ trước đến nay, với 97,3 nghìn tấn sữa bột và 1.103,8 triệu lít sữa tươi. Trong đó, chủ yếu tập trung vào những tên tuổi như: Vinamilk, Công ty CP Thực phẩm Sữa TH, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm 3A (Nutifood), Công ty CP Sữa quốc tế IDP, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Công ty CP Sữa Hà Nội… Năm 2016, sản lượng và mức tiêu thụ các sản phẩm sữa tiếp tục khởi sắc.
Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn
Thực tế cho thấy, những năm qua, các hãng sữa ngoại như Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady, Dumex, Nestlé chiếm trên dưới 75% thị phần sữa bột. Tuy nhiên, ở phân khúc sữa nước, các công ty sữa của Việt Nam đang tạm thời chiếm ưu thế, trong đó chỉ riêng Vinamilk chiếm khoảng 55% thị phần. Bài học từ sự cạnh tranh quyết liệt sẽ khiến cho các DN nội trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và họ sẽ học được cách sống sót và chiến thắng trong môi trường khắc nghiệt nhất.
Dù sao các DN sữa Việt Nam họ cũng không phải không có cơ sở khi đặt kỳ vọng như vậy, bởi nhìn một cách lạc quan nhất thì triển vọng của ngành sữa Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Trong đó, ba yếu tố gồm: dân số đông, thu nhập bình quân tăng, mức sống tăng sẽ giúp cho ngành sữa của Việt Nam những năm tới tiếp tục tăng trưởng tốt, ước khoảng 9%/năm và đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.