Xuất khẩu xi măng gặp khó khi nhiều nước giảm đầu tư hạ tầng do suy thoái, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ảnh minh họa: Ánh Dương |
2022 có thể nói là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành xi măng dưới tác động của sự suy giảm nhu cầu xây dựng toàn cầu và chi phí đầu vào tăng. Thông thường, để sản xuất 1 tấn xi măng, than là loại chi phí lớn nhất (chiếm gần 30% chi phí sản xuất), đá vôi và đất sét (12%), phụ gia (5%)… Cơ cấu này có thể dao động tùy thuộc vào công nghệ và kỹ thuật sản xuất của mỗi nhà máy.
Tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2022, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, doanh nghiệp gặp khó về nguồn cung than, thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại trong khi giá tăng đột biến. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí đầu vào đội thêm khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Áp lực từ chi phí đầu vào thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xi măng. Đơn cử như Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, biên lợi nhuận gộp năm 2022 đạt 10,3% so với con số 11,5% năm ngoái. Kết quả lợi nhuận ròng của Công ty đạt gần 63 tỷ đồng, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu bán hàng chỉ giảm 2,58% xuống còn 4.218,3 tỷ đồng. Đặc biệt, quý IV/2022, do doanh thu không thể bù đắp được chi phí, Công ty lỗ ròng 25,8 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp xi măng khác cũng ghi nhận kết quả thua lỗ trong quý IV/2022 là Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn với khoản lỗ 1,36 tỷ đồng, lũy kế cả năm lợi nhuận ròng đạt 68 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, lợi nhuận ròng năm 2022 chỉ đạt 261 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2014 trở lại đây.
Diễn biến giá than. Nguồn: Trading Economics |
Không chỉ gặp bất lợi về chi phí đầu vào, ngành xi măng còn gặp bất lợi về thị trường tiêu thụ. VICEM cho biết, trước tình hình giá đầu vào tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá xi măng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm, cạnh tranh trên thị trường lớn, giá xuất khẩu xi măng và clinker không tăng. Các đơn vị thành viên phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ sản lượng và thị phần. Do đó, việc tăng giá "chưa đủ bù đắp ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào".
Nhận định về triển vọng năm 2023, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho biết, ngành xi măng phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Trong giai đoạn trước Covid-19, ngành xi măng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Philippines và các nước trong khu vực, qua đó giúp giảm tải cạnh tranh trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước xung quanh giảm đầu tư hạ tầng do suy thoái, tăng trưởng kinh tế chậm lại, xuất khẩu xi măng cũng sẽ gặp khó.
Dẫn số liệu thống kê từ Báo cáo ngành xi măng cho thấy, tổng lượng xuất khẩu xi măng và clinker cả năm 2022 đạt 30,65 triệu tấn, giảm 33% so với năm 2021. Còn sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước trong năm 2022 đạt 62,68 triệu tấn, gần tương đương và bằng 99,66% so với năm 2021.
Tuy nhiên, một điểm sáng là giá than đang giảm rất nhanh, có thể giúp doanh nghiệp xi măng cải thiện biên lợi nhuận, chuyên gia Đào Phúc Tường cho biết.
Hiện giá than tương lai tại Newcastle (Australia) đang ở mức 219,5 USD/T, giảm hơn 1 nửa so với mức đỉnh 457,8 USD/T vào ngày 5/9/2022.
Không chỉ bị ảnh hưởng từ xuất khẩu, Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDirect và Công ty CP Chứng khoán SSI đều nhận định, triển vọng ngành xi măng trong năm 2023 bị đè nặng bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho biết, có thể xuất hiện chỉ báo sớm cho sự cải thiện của ngành vào cuối năm 2023 bao gồm giá nguyên liệu đầu vào giảm (than cốc, than nhiệt, thép phế) và việc Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu xi măng toàn cầu phục hồi.