Ngày làm việc thứ 26, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 4 dự án luật và thảo luận 2 dự án luật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 27/6/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 26 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội biểu quyết thông qua 4 dự án luật: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Quốc hội thông qua 4 dự án luật và thảo luận 2 dự án luật
Quốc hội thông qua 4 dự án luật và thảo luận 2 dự án luật

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Tại nội dung thứ nhất, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội); có 447 đại biểu tán thành (bằng 91,98% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,03% tổng số đại biểu).

Sang nội dung thứ hai, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộbằng hình thức biểu quyết điện tử

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộbằng hình thức biểu quyết điện tử

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kết quả như sau: Đối với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại Khoản 2 Điều 9: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,18% tổng số đại biểu Quốc hội); có 357 đại biểu tán thành (bằng 73,46% tổng số đại biểu Quốc hội); có 69 đại biểu không tán thành (bằng 14,20% tổng số đại biểu Quốc hội); có 22 đại biểu không biểu quyết (bằng 4,53% tổng số đại biểu);

Đối với toàn bộ Luật: có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,59% tổng số đại biểu Quốc hội); có 388 đại biểu tán thành (bằng 79,84% tổng số đại biểu Quốc hội); có 32 đại biểu không tán thành (bằng 6,58% tổng số đại biểu Quốc hội); có 30 đại biểu không biểu quyết (bằng 6,17% tổng số đại biểu).

Bước sang nội dung thứ ba, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng không nhân dân. Tại phiên thảo luận, đã có 12 lượt đại biểu phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị, hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật, chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, về bố cục, nhiều nội dung của dự thảo Luật và cơ bản nhất trí với Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể như: phạm vi điều chỉnh; các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách của nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng không nhân dân; quy định, thẩm quyền huy động, nguyên tắc hoạt động phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; độ tuổi tham gia phòng không nhân dân, lực lượng phòng không nhân dân huy động; cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; tập huấn, bồi dưỡng về phòng không nhân dân; sự phối hợp giữa phòng không nhân dân và phòng không quốc gia; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ...

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sang nội dung thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Tiếp sau đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Tại phiên thảo luận đã có 2 đại biểu phát biểu.

Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Đồng thời, các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành các công việc theo quy định, hoàn tất các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn, giao vốn để giải ngân vốn, tránh dàn trải, lãng phí; đề nghị khắc phục tình trạng phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Các đại biểu cũng đã góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết và các vấn đề khác liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công để quản lý sử dụng có hiệu quả.

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, nội dung thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,27% tổng số đại biểu Quốc hội); có 463 đại biểu tán thành (bằng 95,27% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Sang nội dung thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,47% tổng số đại biểu Quốc hội); có 464 đại biểu tán thành (bằng 95,47% tổng số đại biểu Quốc hội).

Bước sang nội dung thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tại phiên thảo luận, đã có 17 đại biểu phát biểu; trong đó đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thống nhất cao với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, các đại biểu tham gia góp ý về một số nội dung, cụ thể như: phạm vi điều chỉnh; chính sách của nhà nước; giải pháp và biện pháp phòng cháy; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng chuyên ngành; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới...

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.