Hiện có khoảng 38 luật có quy định về điều kiện kinh doanh là rào cản đối với doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê |
Trước đó ít ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP nhấn mạnh nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu cải cách thực chất môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Quyết nâng 10 - 15 bậc Chỉ số Khởi sự kinh doanh
Tại Cuộc họp, nhắc lại xếp hạng Chỉ số Khởi sự kinh doanh trong Báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018. Mặc dù cải cách thủ tục này ở từng bộ đạt được những kết quả tích cực, song công tác phối hợp giữa các bộ còn chưa tốt, còn tình trạng cát cứ, từ đó đặt ra vấn đề liên thông, kết nối, chuyển từ thủ tục giấy sang điện tử.
Để cải thiện chỉ số này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quyết tâm cùng các cơ quan nỗ lực giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 thủ tục xuống còn 4 thủ tục, tích hợp thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN) ngay trong năm 2020.
Làm rõ thêm dư địa cải thiện Chỉ số Khởi sự kinh doanh, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, theo đánh giá của WB, chỉ số này bao gồm 8 thủ tục với 16 ngày. Trong đó, riêng 2 thủ tục thuộc lĩnh vực tài chính chiếm 65% chi phí và 62% về thời gian. Đó là thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn. Nếu chúng ta tập trung cải cách thủ tục này trong nửa đầu năm 2020, Chỉ số Khởi sự kinh doanh hoàn toàn có thể tăng lên hàng chục bậc trong Bảng xếp hạng của WB.
Tại Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được ban hành ngày 1/1/2020, Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10 - 15 bậc với nhiều giải pháp cụ thể. Đó là, ngay trong quý I, Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành, đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định…
Cải cách thực chất điều kiện kinh doanh
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, một điểm nhấn đáng chú ý khác của Nghị quyết 02/NQ-CP là Chính phủ quyết tâm cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ ĐKKD đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các ĐKKD trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá, hoàn thành trong tháng 1/2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt…
Theo ông Hiếu, cắt giảm ĐKKD thời gian qua mới dừng ở cấp nghị định, thực tế còn nhiều ĐKKD quy định trong các luật đang gây khó khăn cho DN. “Rà soát sơ bộ của chúng tôi cho thấy, hiện có khoảng 38 luật có quy định về ĐKKD đang là rào cản đối với DN”, ông Hiếu cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra: “Các ĐKKD trong luật thường rất chung chung, đến khi xây dựng nghị định, các phương án cụ thể hóa rất khác nhau. Cách làm này rất bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn tới vừa thừa, vừa thiếu. Nếu cơ quan nhà nước không áp dụng biện pháp liệt kê mà lại quy định định tính thì có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về minh bạch của quy định, nhưng do các điều kiện này đã có trong luật nên cấp nghị định không thể bãi bỏ được”.
Song song với yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành ĐKKD trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định ĐKKD đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm ĐKKD dưới mọi hình thức…