Nghị quyết 35: Nhiều kỷ lục, tác động lớn

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá việc ban hành, thực thi Nghị quyết 35 có nhiều kỷ lục và đã tác động rất lớn đến bộ máy các cơ quan nhà nước.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết.

Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5 tới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo VCCI, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.

Theo VCCI, các nguyên tắc quan trọng của Nghị quyết như “Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm”, “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”, “Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”… đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp.

Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng” hay “giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc. Những rụt rè, cân nhắc khi đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính của chính các bộ ngành đã giảm bớt rất nhiều. Các cuộc đối thoại, rà soát những cản trở kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã được tổ chức, gần đây nhất (ngày 13/5/2017) là cuộc đối thoại trực tiếp do Văn phòng Chính phủ tổ chức với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến các doanh nghiệp thủy sản. 

Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp. Đa số các tỉnh, thành phố đã thực sự vào cuộc tích cực, hưởng ứng cùng Chính phủ. Việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghị quyết 35/NQ là một tiến bộ quan trọng, đáng ghi nhận.

Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 yêu cầu và  địa phương cam kết. Như thời gian thành lập doanh nghiệp, đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với Cam kết).

Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm. Đặc biệt mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Báo cáo của VCCI nhắc tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới kỷ lục năm vừa qua, trên 110.000 doanh nghiệp, cao nhất về số lượng từ trước đến nay với số vốn đăng ký đạt 891.000 tỷ đồng tăng gần 49% so với cùng ký, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hơn 26.600 doanh nghiệp, tăng 43%. VCCI đánh giá đây là một hiệu ứng ban đầu hết sức tích cực thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 35/NQ-CP.

Kết quả khảo sát về động thái doanh nghiệp do VCCI thực hiện (tháng 11/2016) và do Tổng cục Thống kê thực hiện (tháng 8/016) cho thấy các doanh nghiệp đều đưa ra dự cảm tốt đối với tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017.

Tránh nóng trên, lạnh dưới

Tuy nhiên, chuyển động của một số bộ ngành, địa phương còn chậm. Một số bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Một số chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Cá biệt có những trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra 9 lần trong một năm, cho dù nội dung không giống nhau nhưng đã gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nhiều bộ ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt, vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chậm triển khai thực hiện nghị quyết, hoặc triển khai nghị quyết mang tính chất hình thức. Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới” làm giảm hiệu qủa và tác động của Nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp một cách kịp thời.

Đặc biệt, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. “Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, VCCI đánh giá.

Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này.