Nghĩ về hai chữ “Tự cường” dân tộc

(BĐT) - Mỗi dịp tháng Tám - mùa thu về, tôi thường có thói quen đi dạo quanh hồ Gươm vì dường như, hồ Gươm lúc vào thu là thời khắc đẹp nhất trong năm. Và cũng trong những ngày thu tháng Tám, phố phường trang hoàng cờ hoa như hiện hữu ký ức của một mùa thu lịch sử.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách bằng chính đôi chân của mình
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách bằng chính đôi chân của mình

Điều gì làm nên mùa thu lịch sử

Cách Hồ Gươm không xa, nơi một số bạn trẻ thường tụ tập chơi trò Pokemon Go là một địa danh lịch sử - Bắc Bộ Phủ, số 12 Ngô Quyền, chính là nơi thế hệ những người mở nước đã chiếm giữ để làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Những bạn trẻ chơi Pokemon Go bên hồ Gươm kia có lẽ phần lớn không biết gì về ý nghĩa lịch sử của địa danh này. Họ cũng khó mà cảm nhận được cơn gió mùa thu mát dịu bên hồ Gươm hôm nay còn mang âm hưởng ngọn gió tháng Tám của mùa thu năm 1945 đã làm đổi thay vận mệnh của một đất nước từng chìm trong bóng đêm dài nô lệ.

Nhưng tôi biết, ở cái thành phố của ký ức ngàn năm văn hiến cũng như trên khắp đất nước hình tia chớp này, còn triệu triệu người vẫn không nguôi suy ngẫm về những dòng ký ức, về những cuộc đoạn trường bao thế hệ đã trải qua để từ đó rút ra bài học cho riêng mình, cho gia đình mình, dân tộc mình trên chặng đường kiến tạo tương lai còn không ít gập ghềnh, trắc trở. Một câu hỏi rất cần được nghiền ngẫm: Điều gì làm nên thắng lợi?

Chỉ 7 năm sau mùa thu 1945, Philippe Devillers, một nhà báo Pháp chuyên viết về các vấn đề chiến tranh, đồng thời là một nhà sử học, trong cuốn “Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến 1952” phát hành tại Pháp năm 1952 đã xem thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “sự ăn may”. Nhưng mấy chục năm sau, vào năm 1998, khi viết một cuốn sách khác về Việt Nam, ông đã phải thay đổi quan điểm. Điều ông rút ra, chính sức mạnh ý chí và nỗ lực tự cường đã giúp người Việt Nam làm nên chiến thắng. Một nhà sử học Pháp khác là Alain Ruscio, người đã hơn 30 năm nghiên cứu về Việt Nam thì khẳng định: “Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ thành công trong cuộc kháng chiến của mình”.

Sức mạnh của lòng dân

Vậy sức mạnh tự cường đó từ đâu ra? Không đâu khác, chính từ nhân dân. Trong dòng lịch sử mấy ngàn năm dựng nước đi đôi với giữ nước, người Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách bằng chính đôi chân của mình. Chưa bao giờ cha ông ta ảo tưởng hay dựa dẫm vào sức mạnh bên ngoài. Bài học “đem sức ta mà giải phóng cho ta” thể hiện ngay cả ở lúc “nếm mật nằm gai” cho đến khi “tiên phát chế nhân” hay lúc toàn thắng, giữ nền thái bình muôn thuở bằng thực lực và đối sách, cương nhu kết hợp hài hòa.

Là một trong những người Việt Nam sớm giác ngộ và lựa chọn ý thức hệ Mác - Lênin nhưng Hồ Chí Minh chưa bao giờ rập khuôn, máy móc. Trước tiền sảnh trụ sở của hãng máy tính nổi tiếng nước Mỹ Apple, có khắc một câu “Hãy suy nghĩ khác”. Nguyễn Ái Quốc cũng tìm con đường cách mạng độc lập, tự chủ, biết “nghĩ khác” để thành công. Những phát kiến như nhìn nhận chủ nghĩa đế quốc như “con đỉa hai vòi” hay sự xác định “cách mạng vô sản ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc” trong đầu người thanh niên trẻ tuổi ngày đó có thể bị nhiều chiến sĩ cộng sản phương Tây cho là hoang đường, mơ mộng. Nhưng nếu như không dám nghĩ khác, thì sao có thành công?

Người thanh niên “nghĩ khác” ấy đã nhìn ra một giá trị cốt lõi, một sức mạnh vô địch hiển hiện từ pho vàng lịch sử dân tộc. Chân lý ấy sau này được chính Người đúc kết trong báo cáo chính trị Đại hội lần thứ 2 của Đảng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Chính bởi nhìn ra sức mạnh tự cường vĩ đại ấy, mà năm 1941, sau ngày về nước, giữa núi rừng Cao Bằng còn mịt mù, khi đồng chí Võ Nguyên Giáp lo lắng hỏi Bác: “Chúng ta bắt đầu từ đâu?”, Bác trả lời: “Bắt đầu từ dân, có dân sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả!”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh đó là chân lý. Gần đây, một nhóm họa sĩ trẻ vẽ một infographic về Cách mạng Tháng Tám đã tìm ra 4 điểm đáng tự hào của cuộc cách mạng. Trong đó, có những con số biết nói của sức mạnh tự cường: ngày 22/12/1944, lực lượng quân đội ta chỉ có 34 chiến sĩ, nhưng Cách mạng Tháng Tám đã huy động tới hơn 20 triệu người tham gia. Sức mạnh toàn dân đã giúp cuộc cách mạng trở thành một trong những cuộc cách mạng thành công nhanh nhất thế giới, chỉ trong 15 ngày, so với Cách mạng Tân Hợi 45 ngày, Cách mạng tư sản Pháp 60 ngày. Hơn 70 năm đã trôi qua. 

Trăn trở vì con đường phát triển

Ngày nay, chúng ta đã có “trời xanh đây là của chúng ta, núi rừng đây là của chúng ta”. Nhưng ôn cố để tri tân, chúng ta rút ra được những gì từ ngọn gió tháng Tám của “những buổi ngày xưa vọng nói về”? Vì sao chúng ta có thể “thần tốc” trong mùa thu 1945 hay “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong mùa xuân 1975 nhưng lại chưa thể thần tốc trên con đường kiến tạo đất nước?

Trả lời câu hỏi nêu trên, có thể có nhiều sự biện minh nhưng không thể phủ nhận một nguyên nhân, ấy là ý chí, sức mạnh tự cường trong thời bình chưa được quy tụ mạnh mẽ như những năm vệ quốc. Khoáng sản, tài nguyên khai thác thô, xuất khẩu thô tràn lan, sự lãng phí nguồn lực trong đầu tư, nhất là đầu tư công; yếu kém trong quản lý điều hành làm méo mó thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ… đã và đang làm suy yếu sức mạnh nội lực.

Cách đây ít lâu, người viết bài này từng được nghe chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa kể chuyện “hậu trường” lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mời chuyên gia kinh tế Mỹ tư vấn chiến lược để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình như nhiều quốc gia khác. Vị chuyên gia sau khi nghiền ngẫm những Văn kiện Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các văn kiện khác đã rất ngạc nhiên, khâm phục và ghi nhận khát vọng và những tư duy tốt đẹp của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhưng khi được đề nghị tư vấn con đường đột phá, để “hóa Rồng”, chuyên gia không nói về “rừng vàng, biển bạc” mà chỉ nói về hai tiềm năng to lớn: Mặt tiền biển Đông và nhân tố con người Việt Nam. Chỉ cần khai thác tốt hai tiềm năng ấy, Việt Nam sẽ phát triển “thần tốc”.

Quy luật đúc rút từ những chiến thắng vĩ đại của lịch sử dân tộc cho chúng ta bài học: Không thể có bước đi “thần tốc” khi chân còn ngắn và thế đi chưa vững. Chặng đường đầy gian khó trong bối cảnh những dư địa phát triển ngày càng hạn hẹp hơn lúc nào hết đòi hỏi chúng ta phải chắt chiu mọi nguồn lực để phát triển. Đang có rất nhiều hi vọng từ những thông điệp của Chính phủ mới với những cam kết Chính phủ kiến tạo, liêm chính, Chính phủ vì nhân dân phục vụ. Hy vọng, nhưng quan trọng là cần phải có những chính sách, những cách làm mới thì mới có thể tạo ra các thay đổi đột phá như một hình ảnh “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” chúng ta từng tạo dựng được trong quá khứ.