Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Đăng Khoa |
TS. Nguyễn Sĩ Dũng |
Tính đến nay, Việt Nam có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, đồng thời là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do.
Hoạt động ngoại giao tất nhiên hướng đến nhiều lợi ích của quốc gia, nhưng quan trọng và bao trùm nhất vẫn là lợi ích kinh tế. Nền ngoại giao “cây tre” với nội hàm độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại đã mang lại những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho đất nước, gìn giữ được mối quan hệ và cơ hội làm ăn với cả Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 123,86 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 109,38 tỷ USD, tăng 13,6%, là thị trường xuất khẩu đầu tiên đạt mốc 100 tỷ USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đạt 14,47 tỷ USD, giảm 5,2%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2022 đạt 94,91 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021. Đây là mức thặng dư thương mại cao nhất của Việt Nam với Mỹ kể từ khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2000. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ ước đạt 110,6 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 83 tỷ USD.
Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong những năm 2022 và 2023 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2023, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.306 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 11,8 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 11 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Vốn đầu tư của Mỹ tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng và dịch vụ. Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10 - 11/9/2023, triển vọng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam nhận được nhiều xung lực mới. Đó là đầu tư vào sản xuất chip, điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 173,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,7 tỷ USD, tăng 6,4% và nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 111,6 tỷ USD, giảm 5,9%. Nhập siêu từ Trung Quốc là 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%. Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương.
Trong năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 2,52 tỷ USD với 283 dự án đăng ký mới. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đăng ký mới vào Việt Nam với 707 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4,47 tỷ USD, đứng thứ 4 trong 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11/2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27,224 tỷ USD, đứng thứ 6 về số vốn đăng ký trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoài việc các nguồn đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc được tăng cường, sự kết nối giữa hai nền kinh tế cũng được đẩy mạnh và thị trường Trung Quốc sẽ được mở rộng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc giữ được mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc là một thách thức lớn. Việt Nam có thể vượt qua thách thức này bằng những phản ứng chính sách thân thiện, linh hoạt - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Trước hết, Việt Nam luôn có những “lợi ích vĩnh viễn” cần được xác định rõ để dẫn lối cho mọi hoạt động ngoại giao. Để có thể duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc, cần xác định rõ ràng lợi ích của quốc gia là gì, là phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hay duy trì hòa bình, ổn định khu vực? Khi đã xác định được lợi ích của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng được chính sách đối ngoại phù hợp để đạt được những lợi ích đó.
Thứ hai, cần triển khai nhất quán chính sách đối ngoại linh hoạt, đa phương hóa, đa dạng hóa đã được Đảng và Nhà nước đề ra, không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào.
Thứ ba, cần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, qua đó giúp gắn kết, tạo ra lợi ích chung cho các bên. Khi có lợi ích chung, các bên sẽ có xu hướng hợp tác, tránh xung đột.
Thứ tư, cần tăng cường năng lực ngoại giao, đặc biệt là khả năng đàm phán, xử lý xung đột. Năng lực ngoại giao mạnh sẽ giúp Việt Nam bảo vệ được lợi ích của mình trong các cuộc đàm phán với các nước lớn.
Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, khu vực để tăng cường vị thế trên trường quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro bị các nước lớn áp đặt.
Với những cách làm trên, Việt Nam đã, đang và sẽ vượt qua thách thức trong việc duy trì quan hệ tốt đẹp với các siêu cường, đồng thời tiếp tục đạt được những lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh cho đất nước.