Người dân lạc quan hơn về kiểm soát tham nhũng

(BĐT) - Năm 2017, người dân có xu hướng lạc quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Đây là một trong những kết quả khảo sát được nêu tại Báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vừa được công bố hôm qua (4/4).
55% người dân trả lời cho biết không phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Hoàng Minh
55% người dân trả lời cho biết không phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Hoàng Minh

Khảo sát PAPI do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và một số tổ chức khác thực hiện. Đây là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

Chỉ số PAPI gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công.

Năm 2017, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên và đại diện cho dân số Việt Nam. Đây là kho dữ liệu và thông tin lớn, phục vụ quy trình theo dõi thực thi và điều chỉnh chính sách của địa phương.

TS. Paul Schuler, chuyên gia quốc tế, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết, trong số 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có mức tăng đáng kể. Điều này cũng khá phù hợp khi năm 2017 là năm cấp trung ương thể hiện và thực hiện nhiều hành động phòng chống tham nhũng mạnh mẽ.

 Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là chỉ số đánh giá về quản trị công, đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua 4 nội dung thành phần gồm: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng.

Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, An Giang được người dân ghi nhận nhiều nhất về những nỗ lực của chính quyền địa phương trong phòng, chống tham nhũng năm 2017, với mức gia tăng điểm số đạt trên 20% so với năm 2016 ở mỗi tỉnh/thành phố.

Đắk Nông, Hưng Yên, Hải Phòng có mức giảm điểm lớn nhất với mức giảm hơn 9%.

Theo Báo cáo PAPI 2017, ngược với xu thế đi xuống liên tục từ năm 2013 - 2016, năm 2017, người dân đánh giá tích cực hơn về nỗ lực phòng, chống tham nhũng ở địa phương. 33 tỉnh/thành phố có tiến bộ so với kết quả năm 2016. 6 tỉnh, thành phố giảm điểm so với kết quả năm 2016.

Đặc biệt, tỷ lệ người trả lời cho biết cán bộ chính quyền không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng tăng từ 54% năm 2016 lên 64% năm 2017. Tỷ lệ người trả lời cho biết người dân không phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng từ 46% năm 2016 lên 55% năm 2017. Tỷ lệ người trả lời cho biết người dân không phải chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh và không phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn tăng nhẹ, từ 37% năm 2016 lên 43% năm 2017. Tỷ lệ người dân cảm nhận có tham nhũng trong khu vực công và trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công giảm so với năm 2016. “Mặc dù chưa đạt được mức của những năm 2011 và 2012, nhưng xu thế đảo chiều so với giai đoạn từ 2013 - 2016 rất đáng được ghi nhận”, ông Paul Schuler nhận xét.

Tuy vậy, vẫn còn một số tiêu chí giảm sút. Đó là tỷ lệ người bị vòi vĩnh tố giác hành vi đòi hối lộ rất thấp, chỉ khoảng 3% người trả lời cho biết đã tố giác trong cả hai năm 2016 và 2017. Tỷ lệ người dân cho biết chính quyền tỉnh/thành phố đã xử lý nghiêm túc các vụ việc tham nhũng tại địa phương cũng ở mức thấp (35% năm 2017). 

Kết quả khảo sát năm 2017 còn cho thấy một khía cạnh người dân cho rằng chưa có sự cải thiện là quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cấp chính quyền tỉnh, thành phố. Báo cáo PAPI 2017 đánh giá, điều đó cho thấy, mặc dù người dân cảm nhận ít nhũng nhiễu hơn ở cấp thừa hành, nhưng họ đánh giá cấp chính quyền tỉnh chưa thực sự chủ động trong kiểm soát tham nhũng. Theo ông Paul Schuler, rất có thể những nỗ lực kiểm soát tham nhũng gần đây ở cấp trung ương ít nhiều tác động tới cảm nhận của người dân về tham nhũng vặt ở địa phương, thay vì những quyết tâm thực sự của chính quyền địa phương trong kiểm soát tham nhũng.