Người dân vẫn kêu vì phí “lót tay”

(BĐT) - Bức tranh đa chiều về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam được đưa ra tại Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 với chủ đề “Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” vừa diễn ra sáng ngày 4/4.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Khảo sát PAPI 2016 vừa được công bố cho thấy xu hướng tích cực trong cung ứng dịch vụ công, với tỷ lệ người dân hài lòng hơn với dịch vụ y tế công lập và giáo dục tiểu học công lập cao hơn so với những năm khảo sát trước. Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy, trong 6 chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất ở 35 tỉnh, thành phố so với năm 2011.

Bên cạnh đó, dịch vụ hành chính công từng bước được cải thiện. Người dân đã hài lòng hơn với các thủ tục đăng ký cấp giấy phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã/phường cho giấy tờ tùy thân. Đánh giá về kết quả này, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận xét: “Đây là một kết quả rất đáng khích lệ thể hiện cung ứng dịch vụ công được cải thiện bền vững trong suốt 6 năm qua”.

6 nội dung khảo sát của PAPI 2016 gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Theo bảng xếp hạng công bố, Cần Thơ là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ hài lòng của người dân với tổng điểm là 39,57. Các tỉnh thành tiếp theo là Hà Tĩnh (39,32), Đà Nẵng (38,58), Phú Thọ (38,53), Quảng Bình (38,41), Bến Tre (38,37)…

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của PAPI 2016 vẫn chỉ ra một thực tế là còn hiện tượng “vòi vĩnh” của cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận (chỉ số tăng từ 48% năm 2015 lên 51% năm 2016). Việc giải quyết vấn đề “bồi dưỡng” cho giáo viên ở trường tiểu học công lập vẫn là thách thức lớn ở nhiều tỉnh/thành phố. “Điều đó cho thấy việc người dân phải chi trả ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ tuyến huyện/quận vẫn còn phổ biến”, PAPI 2016 nhận xét.

Thậm chí, PAPI 2016 cho biết, đa số người dân được khảo sát cho rằng, “hiện trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế”. Hai nội dung bị người dân đánh giá thấp, cho điểm thấp nhất là chỉ số tham gia của người dân và kiểm soát tham nhũng.

Từ thực trạng nêu trên, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng cho rằng, phải tăng cường kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, các cấp chính quyền cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương được đánh giá cao hơn trong việc bảo đảm công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức; giám sát và giảm thiểu các hành vi nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công cũng như huy động mạnh mẽ sự tham gia của các cơ quan báo chí.

Tin cùng chuyên mục