Chiều ngày 17/12, phiên tòa xét xử vụ đổi "chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng" tiếp tục với phần tranh tụng. VKS khẳng định Minh vì lòng tham đã uy hiếp, đe dọa làm mất úy tín, thương hiệu của nhà sản xuất; đề nghị tòa tuyên phạt 12-13 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Trả lời tòa trước đó, đại diện doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, bà Trần Ngọc Bích, khẳng định việc giao tiền cho Minh hôm 27/1 không báo công an, chỉ tố giác trước đó 4 ngày. "Không ai báo sao công an biết mà bắt bị cáo đúng lúc giao tiền?", thành viên HĐXX hỏi nhưng bà Bích không trả lời.
Bảo vệ quyền lợi bị cáo, luật sư Nguyễn Tấn Thi cũng phản bác phần trả lời của bà Bích và cho hay người dân đã thấy xe cảnh sát gần hiện trường trước đó. Người tiếp nhận đơn tố giác của doanh nghiệp cũng là điều tra viên trực tiếp đi bắt Minh, tiếp tục là điều tra viên chính của vụ án.
Ông Minh bảo không biết mình phạm tội mà chỉ mua bán chai nước. Ảnh: Cửu Long. |
Theo luật sư Thi, mối lo sợ của nhà sản xuất là sản phẩm có lỗi chứ không phải hành vi tống tiền. Sâu chuỗi việc có nhiều người từng lĩnh án về hành vi tương tự bị cáo Minh, luật sư nói: "Quy trình xử lý khủng hoảng, tiếp xúc khách hàng, bắt người, đã lặp đi lăp lại lần thứ 4. Nhà sản xuất không hề sợ bị ép buộc, rõ ràng mong muốn việc chi tiền cho bị cáo bị bắt. Trong vụ việc này, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu Minh khởi kiện ra tòa".
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng vụ án vi phạm tố tụng, không thể đưa ra xét xử bởi điều tra viên cho luật sư của bị hại tham gia hỏi cung bị cáo. Mọi lời khai không ngoài khả năng mớm cung, không còn giá trị.
"Hồ sơ vụ án có bút lục là một bản án (vụ việc tương tự, có người phải đi tù vì nhận tiền của Tân Hiệp Phát hồi năm 2013) cũng không khách quan. Thiếu nhiều nhân chứng là những người trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc cũng như những người chứng kiến. Rõ ràng, vụ án có dấu hiệu gọt chân vừa giày", luật sư nêu quan điểm.
"Đây chỉ là giao dịch dân sự. Hồ sơ không chứng minh được thiệt hại, bị hại nên đề nghị HĐXX tuyên Minh không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa", luật sư chốt phần bào chữa.
Trong khi đó người bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất nói rằng, Công ty Tân hiệp phát lo sợ hành vi của anh Minh khi tiếp tục đe dọa, buộc phải giao tiền. Do báo công an không thấy gì nên phải giải quyết yêu cầu của bị cáo. "Vì thế thiệt hại trực tiếp là 500 triệu đồng đưa cho Minh. Nếu công an không bắt quả tang thì hôm nay sẽ yêu cầu Minh trả lại số tiền đó. Còn gián tiếp là thiệt hại về uy tín, thương hiệu từ hành vi của Minh", ông này nói.
Theo nội dung vụ việc, ngày 3/1, trong lúc mở chai nước ngọt cho khách hàng, chủ quán cơm Võ Văn Minh cho rằng phát hiện có xác ruồi bên trong. Anh này sau đó gọi điện báo cho doanh nghiệp sản xuất chai nước Tân Hiệp Phát, yêu cầu cử người đến thương lượng.
Khi gặp đại diện doanh nghiệp, Minh được cho là đã ra giá một tỷ đồng đổi lại việc sẽ làm ngơ. Nếu không được trả tiền, chủ quán cơm dọa tố cáo sự việc với cơ quan chức năng, in 5.000 tờ rơi... làm mất uy tín công ty. Sau 3 lần thương lượng, Minh đồng ý giảm xuống còn 500 triệu đồng và hẹn gặp đại diện công ty tại quán cà phê ở huyện Cái Bè. Chiều 27/1, khi anh này nhận tiền của doanh nghiệp thì bị bắt và khởi tố về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Ngày mai, tòa tiếp tục xét xử.