Người giữ lửa công trình biển

(BĐT) - Ở tuổi hưu, đáng lẽ thảnh thơi thì ông lại cặm cụi vắt óc cùng tổng thầu kiến tạo cho những công trình chế tạo giàn khoan dầu khí “made in Việt Nam”. Ông là PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng, được gọi trìu mến là “người giữ lửa” công trình biển.
Công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05
Công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05

Ông nói chuyện chậm rãi, từ tốn và vui tính đến mức hồn nhiên, khác xa với các công trình biển to lớn, xù xì mà ông và đội ngũ cộng sự đã lắp đặt ở Biển Đông hàng chục năm nay. Cuộc đời ông từng trải qua bao sóng gió, vui buồn, nhưng những thăng trầm trong cuộc sống không thể làm ông gục ngã và “lửa nghề" trong ông với các công trình biển cũng chưa bao giờ tắt.

Nhắc đến những công trình biển trọng điểm quốc gia đã từng hoặc đang trực tiếp tham gia với vai trò kiến tạo, lòng đam mê và sự kiêu hãnh lại ngời lên trong mắt ông. Cách đây 4 năm, một dấu ấn lớn khiến những người tham gia lĩnh vực công trình biển và ngành cơ khí chế tạo nhớ mãi. Đó là việc chế tạo thành công giàn khoan dầu khí - giàn khoan tự nâng 90 m nước Tam Đảo 03. Trước đó, Việt Nam chỉ nhập khẩu giàn khoan từ nước ngoài với kinh phí lớn chứ chưa bao giờ chế tạo một giàn khoan mang đúng nghĩa thương hiệu Việt.

Chính vì vậy, công trình chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 đóng vai trò tiên phong trong ngành cơ khí chế tạo, đưa dấu ấn “khoa học và công nghệ” giàn khoan Việt lên tầm cao mới. Đây là dự án cơ khí trọng điểm quốc gia do Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu, liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là chủ đầu tư.

Công trình là thành quả của cả một tập thể của tổng thầu PVShipyard. Trong đó sự đóng góp của Dự án Khoa học & Công nghệ (KH&CN) “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” là to lớn và hiệu quả. Giàn khoan Tam Đảo 03 từng được chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật về KH&CN của Việt Nam và được Đảng ủy Khối các doanh nghiệp trung ương tôn vinh là 1 trong số các dự án tiêu biểu của giai đoạn 2011 - 2015.

Thành quả trên có phảng phất hơi thở, lòng nhiệt huyết và bề dày kinh nghiệm KH&CN của vị PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng, chuyên gia cao cấp với chức danh Phó ban Thường trực Ban quản lý Dự án KH&CN, người trực tiếp tham gia công tác quản lý Dự án Tam Đảo 03.

Và kết quả thật mỹ mãn khi chính công trình đã góp phần vào mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án của ngành chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong 2 năm.

“Điều đó đã tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dầu khí. Công trình đã tạo bước đột phá quan trọng đối với ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc thiết kế, chế tạo các loại thiết bị phức tạp và công nghệ cao”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng bộc bạch.

Tiếp nối những kết quả đạt được, PV Shipyard đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Vietsovpetro tin tưởng tiếp tục giao đóng mới giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 vào tháng 11/2013 có khả năng hoạt động tới độ sâu 400ft (120 m) nước, chiều sâu khoan có thể lên đến 9.000 m. Việc triển khai Dự án này cũng là cơ hội giải quyết các vấn đề về KH&CN còn tồn tại đối với giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, nhằm tiến tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế, phát triển và hoán cải, thi công, chế tạo, hạ thuỷ tất cả các loại giàn khoan tự nâng.

Do đó, Bộ KH&CN đã phê duyệt Dự án KH&CN thứ 2 là: “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng” và giao PV Shipyard chủ trì thực hiện để ứng dụng, hỗ trợ kịp thời về mặt KH&CN cho Dự án đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05.

Và một lần nữa, PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng lại có cơ hội để đem hết trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của mình để đóng góp cho dự án suốt 2 năm qua.

Đến giữa tháng 12/2015, giàn khoan Tam Đảo 05 đã chính thức hạ thủy, và thống kê bước đầu cho thấy tỷ lệ nội địa hoá đã tăng đến 50%. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khi thị sát công trình cũng đánh giá rất cao thành quả này. Đây là thành tích đáng khích lệ cho tổng thầu PV Shipyard và cá nhân PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng.

Giới cơ khí chế tạo và thiết kế xây lắp trong nước kính nể PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng vì ông là một bậc thầy về công trình biển. Liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, nếu lớp kỹ sư trẻ muốn hỏi, ông luôn chỉ bảo cặn kẽ, chẳng nề hà. Được dìu dắt lớp kỹ sư trẻ trải qua các công trình biển, ông như tìm lại thời trai trẻ của chính mình.

Hơn 30 năm gắn bó với ngành xây dựng công trình biển, “đắm mình” với vai trò kiến tạo cùng các công trình giàn khoan, các nhà giàn DK của Bộ Quốc phòng, các công trình dầu khí Việt Nam…, điều ông luôn tâm niệm là làm nghề gì cũng vậy, muốn thành công, ngoài tri thức, đạo đức nghề nghiệp thì phải có lòng say mê.

Khi tôi hỏi ông muốn gửi gắm điều gì cho lớp kỹ sư trẻ “yêu” và đến với các công trình biển, ông nói: "Thế hệ trẻ phải luôn nuôi ước mơ, hoài bão vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao về KH&CN, luôn tìm tòi học hỏi và đừng bao giờ đặt nặng vấn đề quyền lợi cá nhân".

Nhắc đến những kỷ niệm thời còn làm ở Vietsovpetro, PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng không khỏi bồi hồi, cảm xúc về việc được lãnh đạo ngành dầu khí tin tưởng, chỉ định ông làm tổng chỉ huy xây dựng các công trình biển của Vietsovpetro.

Ở vai trò tổng chỉ huy, ông ấn tượng nhất là quá trình nghiên cứu tính toán thay đổi công nghệ xây lắp giàn khoan cố định và ứng dụng thành công vào công tác xây lắp các giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ (mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam) trong giai đoạn 1986 - 1995. Thành quả đó có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc triển khai xây lắp các công trình dầu khí trên vùng biển Việt Nam sau này.

Nhắc đến tương lai của ngành cơ khí chế tạo giàn khoan, ông phân tích, xu hướng chung của các công ty dầu khí trên thế giới những năm tiếp theo là sử dụng giàn khoan di động để đẩy mạnh thăm dò ngoài khơi, tại các vùng biển mới, xa bờ và sâu.

Ông cho biết, giá trị đầu tư cho một dự án giàn khoan dầu khí di động ước tính từ 250 triệu USD tới 1 tỷ USD, với hơn 3.000 người/dự án chế tạo. “Việc tự thiết kế, đóng mới được các loại giàn khoan dầu khí di động sẽ giúp tiết kiệm cho đất nước hàng trăm triệu USD mỗi năm. Và đó là hướng chiến lược có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên vùng Biển Đông”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Nhưng chia sẻ.

Năm nay, ông đón Tết hẳn là vui vì công trình giàn khoan Tam Đảo 05 đã về đích sớm. Sẽ càng vui hơn khi giàn khoan “made in Việt Nam” trong tương lai được kỳ vọng sẽ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài theo tiếng gọi của hội nhập.     

Tin cùng chuyên mục